Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp (DN) phía Nam đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi, tạo thuận lợi để người lao động (NLĐ) yên tâm quay trở lại làm việc. Về phía NLĐ, do vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh cho nên có thể họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà sẽ chú ý đến môi trường làm việc và mô hình vận hành của DN.
Trong Quý IV/2021, các DN phía nam sẽ cần số lượng lớn lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp "rục rịch" tuyển dụng
Để có nhận định tổng quan về thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam trong giai đoạn mới, những đơn vị tuyển dụng nhân sự hàng đầu như Navigos, Adecco… đã tiến hành khảo sát về nhu cầu và xu hướng tuyển dụng nổi bật trong quý IV/2021 của các doanh nghiệp (DN).
Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng Adecco TPHCM Nguyễn Hoàng Thành Chương cho biết, theo khảo sát của Adecco, trong quý IV/2021, các lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng sẽ cần nhiều nhân sự cho mùa kinh doanh cuối năm. Các công ty dịch vụ cũng sẽ tăng dần nhu cầu tuyển dụng do họ đã mất đi một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa.
Trong những tháng tới, khi vaccine phòng COVID-19 được bao phủ tại các thành phố lớn, các đơn vị sử dụng lao động sẽ chào đón người lao động (NLĐ) trở lại làm việc một cách thận trọng. "Thay vì để toàn bộ NLĐ làm việc tại chỗ, các DN sẽ đưa dần 30% hoặc 50% lực lượng lao động trở lại văn phòng, nhà máy trong vài tháng đầu tiên. Do đó, việc tuyển dụng sẽ trở lại bình thường với hình thức kết hợp, bao gồm cả các cuộc gặp mặt trực tiếp và trực tuyến", ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương nhận định.
Theo khảo sát trong quý III/2021 của Navigos đối với 400 DN và 1.200 NLĐ, có 56,7% DN sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi hoạt động bình thường trở lại, khoảng 17,5% chưa thể ra được quyết định. Các DN còn lại cho rằng, cần thêm một vài tháng để cơ cấu lại sản xuất mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại.
Đáng chú ý, khảo sát của Navigos cho thấy có gần 50% DN không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi của năm 2021 cao hơn so với năm 2020 là 43,2%. Đây chủ yếu là các DN ngành công nghệ thông tin; tài chính/ngân hàng/bảo hiểm và xuất nhập khẩu. Tại Hà Nội và TPHCM, các DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự.
Tại TPHCM, nơi tập trung số lượng lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất có số lượng lớn lao động từ các địa phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM Phan Kỳ Quan Triết cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2021 cần khoảng 43.000 đến 56.000 chỗ làm việc; nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân; công nghệ thông tin; cơ khí – tự động hoá; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dệt may – giày da…
Đáng chú ý, nhu cầu nhân lực là lao động qua đào tạo của quý IV/2021 chiếm 87,19% tổng nhu cầu nhân lực; trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm 21,07%; cao đẳng chiếm 19,81%; trung cấp chiếm 26,35%; sơ cấp chiếm 19,96%...
Kết quả khảo sát này cũng tương đồng với nhận định của Navigos và đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự này cho rằng thị trường việc làm trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên "đường đua" tìm kiếm việc làm. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
NLĐ rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn sản xuất của DN.
Giữ "sức khỏe" DN sẽ "giữ chân" được người lao động
Thực tế, dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đã tạo ra một luồng dịch chuyển lao động lớn. Hàng ngàn lao động đã rời khỏi các thành phố lớn về quê do mất việc hoặc không đủ tiền để trụ lại thành phố.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Trần Việt Anh cho biết: "Đầu tháng 9, khảo sát một nhóm khoảng 300 DN trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật, chúng tôi thấy rằng, chỉ có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi TPHCM mở cửa".
Theo ông Trần Việt Anh, hiện nay có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm gồm: Lực lượng làm trong các DN FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Trong đó, 2 nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, trong đợt dịch vừa qua không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập, tỷ lệ dịch chuyển thấp. Tuy nhiên, cả 4 nhóm lao động này đều tập trung sống ở các xóm trọ, trong thời điểm giãn cách, hầu hết đều ở tại nơi trọ toàn thời gian, không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K, qua đó phát sinh nhiều F0, F1.
"Sống trong môi trường như vậy, nhiều lao động sẽ muốn về quê, nhất là các lao động tự do. Vì vậy, để đảm bảo nguồn lực lao động tại TPHCM, trong tương lai, Thành phố cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ NLĐ", ông Trần Việt Anh đề xuất.
Có thể thấy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, nhiều DN đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc với nhân sự cũ đang tạm nghỉ, đồng thời thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo thuận lợi để thu hút NLĐ quay trở lại làm việc.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực và Thực phẩm TPHCM, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cho biết, Công ty có 400 lao động. Khi thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", Công ty có 200 lao động tham gia. "Chúng tôi nhận thấy nếu làm không tốt, chăm lo không tốt cho NLĐ thì sau đại dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện 3 tại chỗ, ban lãnh đạo công ty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với NLĐ. Công ty chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn để tăng cường sức khoẻ cho NLĐ", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, với những NLĐ của Công ty không tham gia 3 tại chỗ, đang ở nhà, ở trọ, Công ty cũng thực hiện việc đi chợ hộ cho NLĐ để giúp họ tránh tiếp xúc, tránh lây nhiễm, yên tâm ở nhà phòng chống dịch.
Theo thống kê, chỉ có khoảng 20 trong tổng số 400 lao động của Công ty về quê và số này sẵn sàng quay lại nhà máy khi các địa phương hết giãn cách. Từ đầu tháng 10, có 300/400 NLĐ của Công ty đã quay lại làm việc sau khi mọi khâu chuẩn bị an toàn phòng chống dịch được thực hiện kỹ.
Trao đổi về các giải pháp "giữ chân" NLĐ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, việc thu hút NLĐ quay trở lại DN phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là duy trì chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Trạng thái của DN trước khi xảy ra dịch bệnh chính là "chìa khóa" để giữ chân NLĐ. DN có "sức khỏe" tốt, NLĐ sẽ yên tâm quay trở lại, xóa bỏ tâm lý muốn nhảy việc, tìm nơi thu nhập cao hơn.
Theo ông Lê Tiến Trường, NLĐ sẽ quay lại nhà máy tại các tỉnh phía nam chậm nhất là 2 tháng đối với ngành may và 1 tháng đối với ngành dệt sợi sau khi các địa phương mở cửa, các nhà máy được hoạt động trở lại. "Thực tế, khi NLĐ trở về quê ở các tỉnh miền Tây, họ sẽ phải tính đến bài toán mưu sinh. Bởi lẽ, các tỉnh này hầu như không có khu công nghiệp nên NLĐ muốn có việc làm vẫn phải quay trở lại các nhà máy".
"Chìa khóa" là duy trì sự an toàn
Theo các chuyên gia, nếu chế độ đãi ngộ là yếu tố hàng đầu để thu hút NLĐ quay trở lại làm việc thì bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 chính là "chìa khóa" để "giữ chân" NLĐ gắn bó lâu dài với DN.
Giám đốc điều hành Navigos Nguyễn Phương Mai cho rằng, DN cần nhận ra vai trò của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh. Dù ở trong giai đoạn chống dịch hay sau này, các DN cũng cần duy trì vai trò trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc. "Cơn bão" dịch bệnh đi qua, DN nên ưu tiên lên kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh dành cho NLĐ. Khi đóng vai trò chủ động, DN có thể đưa ra các kịch bản ứng phó như làm việc từ xa, hỗ trợ nhân viên kịp thời, ưu tiên cho sự linh hoạt giờ giấc…
Ngoài lương thưởng thì phúc lợi cho NLĐ là rất quan trọng. Phúc lợi nên linh hoạt và đặt trọng tâm vào các chính sách phúc lợi cho NLĐ. Hiện NLĐ rất quan tâm đến sức khoẻ nên DN cần đầu tư vào vấn đề này.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, Pou Yuen Việt Nam có hơn 40.000 lao động đã tiêm vaccine mũi 1 và khoảng 20.000 lao động đã tiêm vaccine mũi 2. Đây chính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để "giữ chân" NLĐ, tạo cho NLĐ tâm lý an tâm, tập trung sản xuất và gắn bó với DN.
Ông Củ Phát Nghiệp cũng mong muốn TPHCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho NLĐ ở các tỉnh nhưng làm việc tại TPHCM được tiêm vaccine để họ được đi làm trở lại. DN cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng chống dịch. DN cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho NLĐ, để họ có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Các khảo sát cũng cho thấy, DN cần phát triển nguồn nhân lực theo định hướng mới. Khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn sản xuất mới, đây cũng là lúc DN săn đón lao động đã qua đào tạo, lao động trình độ cao với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau. Tuy nhiên, NLĐ vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh cho nên có thể họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà sẽ cân nhắc về môi trường làm việc và mô hình vận hành của DN. Do đó, DN nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới thu hút NLĐ có trình độ, tay nghề khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục.
"Nơi làm việc lấy con người làm trung tâm, nơi ưu tiên quản lý dựa trên sự đồng cảm, tính linh hoạt và sự hợp tác có định hướng sẽ là chìa khóa để duy trì lực lượng lao động trong dài hạn", Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng, Adecco TPHCM Nguyễn Hoàng Thành Chương nhận định.
Theo baochinhphu.vn