Một mô hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở huyện Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh: Thanh Hà) |
Trao đổi với chúng tôi, bà Mùi Thị Thủy, Phó trưởng Ban Đại diện Hội người cao tuổi (NCT) tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là một tỉnh vùng núi cao, biên giới, có diện tích tự nhiên gần 15.000 km2, dân số trên 1,24 triệu người, với 12 dân tộc anh em cùng chung sống như Kinh, Thái, Mông, Mường…
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng’’, Hội NCT tỉnh Sơn La đã hưởng ứng nhiệt tình phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, cùng nhau thi đua lao động sản xuất làm giàu chính đáng trên quê hương và giành được nhiều kết quả quan trọng, giúp công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hiện toàn tỉnh Sơn La có trên 60.000 NCT trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, gần 4.000 NCT làm chủ trang trại; doanh nghiệp; giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động thường xuyên và mùa vụ. Giai đoạn 2018 - 2023, có gần 6.000 lượt NCT của địa phương được công nhận đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, những mô hình phát triển kinh tế giỏi đã đóng góp, giúp đỡ NCT khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, ủng hộ các hoạt động xã hội tại cơ sở lên đến hàng tỉ đồng.
Xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những tiềm năng, thế mạnh lớn của địa phương, trong 5 năm qua, Hội NCT Sơn La đã vận động, tuyên truyền NCT khắp các địa phương trong tỉnh đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp VACR, cải tạo vườn tạp, giảm diện tích trồng cây ngắn ngày trên đất dốc chuyển sang nhân rộng các giống cây trồng khác như: Cây ăn quả có múi, gai xanh; dược liệu; chanh leo, cà phê, nhãn, cam, bơ, xoài, bưởi da xanh, na hoàng hậu, mận hậu, đào Pháp, hồng giòn, sơn tra, tre bương, cây gỗ tếch, sản xuất gạo hữu cơ; kết hợp chăn nuôi trâu, bò thịt, bò sữa, lợn thương phẩm và sinh sản. Nhiều hộ gia đình còn tận dụng mặt nước, nhất là vùng lòng hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng, cá hồi, cá tầm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, tại địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương NCT làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trường Tiến tại bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn có tổng diện tích 32ha trồng cam, bưởi và 200 con bò sinh sản, HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp giấy chứng nhận nông sản theo chuỗi từ tháng 7/2018. Năm 2022 HTX đạt doanh thu 35 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 60 người, lao động thời vụ 100 người, với mức thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình HTX chuyên về trồng cây ăn quả an toàn bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu của ông Chu Quang Tạo với tổng diện tích 36ha. Ngoài ra, ông Tạo còn có 20 ha trồng cam; 16 ha trồng mận hậu kết hợp trồng hồng giòn, đào Pháp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Bình quân thu nhập 10 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 40 lao động thường xuyên với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng; hay bà Nguyễn Thị Luyến, ở bản Kim Chung II, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu trồng cây ăn quả trên trang trại quy mô, cho thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm.
Người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi của tỉnh Sơn La tại hội Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi tỉnh Sơn La giai đoạn 2018-2023 diễn ra tháng 8/2023. (Ảnh: Kim Chiến) |
Còn ông Hà Văn Buôn, bản Phách, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, với tổng diện tích trên 27ha đất trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và có 3ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, có 1 mô hình vườn cam sạch chăm sóc theo hướng hữu cơ, thu hoạch mỗi vụ đạt từ 12 - 15 tấn quả. Thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm; ông Lò Văn Khặn, ở bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai hiện có trên 100 lồng cá, thu nhập của gia đình từ 800 - 1tỷ đồng/năm và đã được công nhận thương hiệu cá sông Đà...
Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chia sẻ: Để phát huy trí tuệ, sức mạnh của NCT, những năm qua, các cấp Hội NCT tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia, hưởng ứng phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, phong trào đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện nhiều gương điển hình NCT sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Thời gian tới, địa phương sẽ quán triệt các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới hội viên. Đồng thời, xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Hội vững mạnh. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút, tập hợp đông đảo hội viên tham gia phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngoài ra, địa phương sẽ chú trọng hơn công tác thi đua khen thường cho các cấp Hội NCT cơ sở, để qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình NCT làm kinh tế giỏi, tiêu biểu để hội viên đóng góp trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp...”, bà Tráng Thị Xuân cho biết./.
Theo dangcongsan.vn