Tết là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp để mọi người sum vầy bên gia đình, người thân, quanh những bữa cơm đầm ấm... Nhưng đối với những người nghèo khó, nhất là những người phải lo từng bữa ăn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người yếu thế thì dường như Tết vẫn là cái gì đó… xa xỉ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà hộ nghèo tại xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 7/1/2023 |
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không để làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.
Xác định rõ điều đó, 77 năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng được minh chứng bằng những thực tế thuyết phục và toàn diện.
Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, chỉ cần một cơn bão sẽ cuốn đi bao thành quả của công cuộc giảm nghèo, những người khó khăn càng khó khăn hơn, những hộ thoát nghèo lại đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Trong khi đó, ở nước ta hằng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chưa kể mưa lũ bất thường tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người. Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai. Đó còn chưa nói đến dịch bệnh hoành hành mấy năm gần đây cũng khiến nhiều người “lao đao” với cuộc sống… Nhưng cũng từ trong gian khó ấy, những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường chính là động lực để cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay vì người nghèo.
Theo Kế hoạch số 668/KH-MTTW-BTT về việc phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến tặng quà cho người nghèo dịp Tết Quý Mão và có sự phân công rất cụ thể, rõ ràng. Theo đó, quà tặng người nghèo, người cận nghèo sẽ do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam bố trí từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương; quà tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2022 và những nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn…) sẽ do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuẩn bị; quà tặng công nhân, người lao động có hoàn khó khăn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị.
Trong đó, phân bổ mỗi địa phương 200 suất quà, mức 1.200.000 đồng/suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt và túi quà trị giá 200.000 đồng để các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Bộ trưởng và tương đương, các đồng chí thành viên Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương thăm và tặng quà với tổng số tiền lên tới 15,1 tỷ đồng… Tổng nguồn kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương dự kiến tặng 14.100 suất, mức 1.200.000 đồng/suất, số tiền 16,92 tỷ đồng; 2.000 suất, mức 600.000 đồng/suất, số tiền 1,2 tỷ đồng; quà tặng 12 trung tâm, số tiền 132 triệu đồng. Tổng số tiền dự kiến 18,252 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã họp bàn triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, trọng tâm là quyết định dành những khoản kinh phí cao hơn năm trước để giúp người nghèo, người dân vừa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh có thể đónết đầy đủ, ấm áp. Cùng với các chế độ, chính sách được chi trả kịp thời, các hoạt động thể hiện tính nhân văn, nghĩa tình với người còn khó khăn diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trong cả nước, như: “Tết nhân ái - Xuân Quý Mão 2023”; “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia”; “Phiên chợ nhân đạo”; “Gian hàng 0 đồng”; “Mang Tết ấm đến với bệnh nhân bảo hiểm y tế có hoàn cảnh khó khăn”; tặng quà Tết từ Quỹ “Vì người nghèo” của các tỉnh, thành phố…
Đến thời điểm này, mặc dù bộn bề công việc của tháng cuối năm, lại thêm thời tiết giá rét kéo dài nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương cũng như những đoàn công tác đã và đang đi thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo, người yếu thế… Những xe quà Tết đang hối hả lên với các bản, làng, buôn, sóc vùng cao. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng đồng bằng đến miền núi,… nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách đã nhận được những món quà Tết đầu tiên.
Cùng với những món quà Tết ấm áp, với quyết tâm không để người dân nào thiếu đói, các cấp, các ngành đã chỉ đạo cơ sở tiến hành rà soát tình hình đời sống của bà con, xem có hộ dân nào cần cứu trợ. Đồng thời, dự phòng nguồn kinh phí an sinh xã hội nhằm kịp thời hỗ trợ cho các hộ thiếu lương thực, thiếu đói trên địa bàn cả nước.
Thực tế, để người nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, cần sự đồng hành, chia sẻ trong suốt quá trình lao động, sản xuất, chứ không riêng gì những ngày Tết. Tuy nhiên, với những hộ thật sự khó khăn, món quà Tết dù còn khiêm tốn về vật chất nhưng đầy ý nghĩa. Đó sẽ là động lực, là sẻ chia kịp thời để họ vươn lên tự chủ được cuộc sống của mình, để “không có ai bị bỏ lại phía sau”.
Một mùa Xuân mới đang về. Bằng những việc làm thiết thực, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cả nước đang chung tay góp sức chăm lo để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, để Tết cổ truyền lan tỏa muôn nơi trên đất nước hình chữ S đầy yêu thương./.
Theo dangcongsan.vn