Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế
Về mối quan hệ giữa dân số và kinh tế có thể thấy, có tác động rõ của quy mô dân số đối với nền kinh tế các nước đang phát triển cũng như tới chất lượng sống của người dân. Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Chính vì vậy, quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, cơ cấu sản xuất, tiêu dùng và tích lũy của xã hội. Ngược lại, kinh tế cũng tác động mạnh mẽ đến quá trình sinh, tử và di cư. Một nền kinh tế tự động hóa cao sẽ có nhu cầu lao động giảm, nhưng đòi hỏi về chất lượng lao động cao sẽ tác động tới mức sinh cao hay thấp. Hay việc dinh dưỡng được bảo đảm sẽ tác động tới tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cũng sẽ giảm…
Giữa dân số và kinh tế có mối quan hệ biện chứng và gắn bó hữu cơ. Đây là quá trình tác động qua lại và là hai mặt của một chỉnh thể thống nhất. Khi nói đến phát triển kinh tế là nói tới tiền đề và điều kiện phát triển chất lượng dân số. Trong đó, động lực của sự phát triển kinh tế chính là con người. Ngược lại, dân số mà lực lượng chủ yếu là người lao động lại là yếu tố quyết định tới sự tăng trưởng của kinh tế, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Ở phạm vi quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội chính là sự bảo đảm cho sự phát triển dân số đúng hướng cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng.
Già hóa dân số là một trong những vấn đề thuộc về cơ cấu dân số theo độ tuổi. Già hóa dân số và kinh tế là mối quan hệ có tính qua lại, hay nói cách khác nó là sự tác động mang tính hai chiều.
Ở chiều thuận (già hóa dân số tác động tới kinh tế) cho thấy, khi dân số trong thời kỳ “cơ cấu vàng” thì lực lượng lao động chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và các nước thu được “dư lợi dân số”; ngược lại, khi dân số trở nên già hóa thì tỷ lệ lực lượng lao động trong cơ cấu dân số sẽ giảm, từ đó có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Nhiều nghiên cứu đã cố lượng hóa tác động của biến đổi cơ cấu dân số đến một số chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng, như GDP/dân số trưởng thành, GDP/dân số có việc làm và tỷ lệ có việc làm. Kết quả phân tích mô hình hồi quy tăng trưởng với hai biến là tốc độ tăng dân số và tốc độ tăng lao động cho thấy, “cơ cấu dân số vàng” đã góp phần làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đáng kể cho các nước và khi cơ cấu dân số này chuyển sang giai đoạn già hóa thì GDP cũng giảm dần.
Ở chiều ngược lại (kinh tế tác động tới già hóa dân số). Trong quá trình phát triển kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã trải qua giai đoạn bùng nổ dân số với tỷ suất sinh ở mức cao. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước đã có những chính sách nhằm giảm mức sinh và hạn chế tốc độ tăng dân số. Kết quả của việc thực thi các chính sách này trong một thời gian dài là những thay đổi về cơ cấu dân số theo độ tuổi. Một nền kinh tế phát triển sẽ khiến nhu cầu của con người cũng được nâng cao về chất lượng sống, như nhà ở, phương tiện đi lại, chăm sóc sức khỏe, du lịch, giải trí… Các nguồn lực, kể cả thời gian dành cho việc sinh con và chăm sóc con cái cũng sẽ phải “cạnh tranh” với các nhu cầu này, khi đó sinh ít như một giải pháp để giải quyết các mâu thuẫn giữa các nhu cầu trên. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh giảm. Trong khi đó, do đời sống kinh tế được nâng cao, y học ngày càng phát triển, con người ngày càng được chăm sóc tốt hơn khiến cho tuổi thọ cũng ngày càng được kéo dài, vì vậy, số người cao tuổi cũng vì thế mà ngày càng tăng lên.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Già hóa dân số và gánh nặng bảo đảm phúc lợi xã hội cũng gây ra nhiều khó khăn. Với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đã là một trong những quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Chi phí phúc lợi xã hội tăng lên là một gánh nặng đối với Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời, dân số giảm đi khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, càng gây khó khăn cho Nhật Bản khi đang nỗ lực thoát ra khỏi thời kỳ giảm phát.
Cũng như các quốc gia khác, đặc trưng dân số Nhật Bản có quan hệ mật thiết đến sự phát triển kinh tế, trong đó, Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này. Chính vì vậy, để đánh giá đúng mức độ già hóa dân số và những vấn đề Nhật Bản gặp phải khi đối diện với những thách thức đến từ dân số cần nhìn nhận các chính sách dân số của Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại được thể hiện qua bốn giai đoạn.
Giai đoạn 1, thời kỳ trước khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II. Thời kỳ này, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích quy mô gia đình lớn nhằm xây dựng đô thị hóa và hình thành khu vực kinh tế hiện đại. Năm 1927, Chính phủ cho thành lập Hội đồng điều tra các vấn đề dân số và lương thực. Hội đồng nhận định rằng quy mô dân số lớn là biểu hiện đáng khích lệ của sự thịnh vượng, chính vì vậy, Hội đồng chỉ tập trung luận bàn những biện pháp tăng sản xuất lương thực để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 1939, Chính phủ Nhật Bản cho thành lập Viện Các vấn đề dân số, nay là Viện Nghiên cứu quốc gia về An sinh xã hội và Dân số dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế và Phúc lợi nhằm đưa ra “Hướng dẫn hoạch định Chính sách dân số”, bao gồm ưu tiên khám, chữa bệnh cho bà mẹ mang thai, trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em và các lợi ích liên quan đến thuế cho các gia đình đông con. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng thừa nhận việc khuyến khích quy mô gia đình lớn đã không thành công như mong đợi.
Giai đoạn 2, sau Chiến tranh thế giới thứ II, dân số bùng nổ, sau đó mức sinh giảm mạnh do kinh tế rơi vào khó khăn. Khi Chiến tranh Thế giới thứ II chấm dứt, Nhật Bản chứng kiến tốc độ tăng trưởng dân số chưa có tiền lệ. Việc đột nhiên quá tải dân số được xem như mối đe dọa. Tháng 5-1949, Chính phủ Nhật Bản thành lập Hội đồng các vấn đề dân số. Tháng 11-1949, Hội đồng này đưa ra nghị quyết đầu tiên về chính sách dân số cơ bản nhằm kiểm soát quy mô dân số quốc gia. Tuy nhiên, điều Chính phủ Nhật Bản quan tâm nhất lại không phải việc giải quyết các vấn đề dân số mà là việc phục hồi nền kinh tế, vì vậy, Chính phủ không có sự bảo trợ cho các chương trình dân số mà chỉ nỗ lực điều chỉnh phân bố dân cư theo vùng nhằm phục vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
Giai đoạn 3, từ năm 1955 đến năm 1975, mức sinh thấp và tăng trưởng kinh tế nhanh. Giai đoạn này có thể coi là giai đoạn phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản, nhất là trong những năm 1960 - 1970. Tuy nhiên, trái với kinh tế, các chính sách ổn định dân số lại không được quan tâm đúng mức trong thời kỳ này. Năm 1959, Chính phủ Nhật Bản dừng việc coi kế hoạch hóa gia đình như một chính sách dân số và chuyển ngân sách đầu tư cho chương trình kế hoạch hóa gia đình sang y tế và phúc lợi xã hội. Cùng với đó, Bộ Y tế và Phúc lợi nước này chuyển các nhiệm vụ liên quan đến kế hoạch hóa gia đình sang Vụ Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Trong nghiên cứu của mình về chính sách và dân số Nhật Bản, GS. Shunichi Inoue, Trường cao đẳng khoa học và nhân văn, Đại học Nihon, Tokyo nhận định, ban đầu lượng lao động di cư từ nông thôn đến thành thị và lượng dân số trẻ của thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh đáp ứng được các nhu cầu lao động công nghiệp. Nhưng đến cuối thời kỳ này bắt đầu xuất hiện hiện tượng thiếu lao động(1).
Giai đoạn 4, từ năm 1975 đến nay, đây là giai đoạn mức sinh không đủ thay thế và kinh tế phát triển có dấu hiệu chậm lại. Năm 1990, kinh tế Nhật Bản bắt đầu rơi vào suy thoái, tác động tới mức sinh tiếp tục giảm xuống dưới mức thay thế tại Nhật Bản, càng khiến cho tốc độ già hóa dân số Nhật Bản diễn ra nhanh hơn. Hội đồng các vấn đề dân số đã chỉ ra rằng Nhật Bản cần có chính sách nhằm ổn định dân số trong tương lai và cải thiện mức sinh là phương pháp giải quyết vấn đề già hóa dân số tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết định không can thiệp đến cuộc sống của người dân và chính sách dân số tiếp tục là chính sách tự do. Phải đến năm 1997, các chính sách nhằm cải thiện điều kiện và khuyến sinh mới được áp dụng một cách rộng khắp tại Nhật Bản.
Các chính sách về dân số của Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào mục đích kinh tế - xã hội, không chỉ tập trung vào mục đích dân số. Chính vì vậy, hệ quả của nó là Nhật Bản phải đối mặt song song với cả hai thách thức lớn về dân số là mức giảm sinh cao và già hóa dân số. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra hàng loạt các giải pháp không chỉ ở tầm vĩ mô mà còn cả ở tầm vi mô nhằm giải quyết những những vướng mắc đang đặt ra cho nước này, như:
Thứ nhất, tận dụng lợi thế “dân số vàng” để phát triển. Nhật Bản là một trong những nước đã tận dụng rất tốt lợi thế “dân số vàng” để phát triển kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chính sách khuyến khích tiết kiệm triệt để và tăng cường đầu tư. Song song với đó, nguồn lực trong nước được huy động tối đa tạo nên sự tăng tốc thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn “dân số vàng”. Bên cạnh các nhân tố quan trọng đó, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, nguồn lao động chất lượng cao, chính sách và chiến lược chủ động của Chính phủ trong việc khai thác các nguồn lực tri thức cũng như các bí quyết công nghệ để tăng cường khả năng “nội lực hóa”, tạo ra sự phát triển “thần kỳ” cho quốc gia này trong nhiều thập kỷ.
Thứ hai, tăng tỷ lệ sinh. Đây được xem là biện pháp mang tính lâu dài nhằm giảm tỷ lệ già hóa dân số. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp, như tạo điều kiện cho phụ nữ quay trở lại nơi làm việc sau khi sinh con, xây dựng nhà trẻ, tăng trợ cấp cho trẻ em nhằm giảm bớt chi phí nuôi con cho các gia đình. Đặc biệt vào tháng 4-2020, Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định cho phép các công chức là nam giới được nghỉ phép ít nhất một tháng để chăm sóc con sơ sinh. Mặc dù, tính hiệu quả của các chính sách khuyến sinh chưa thực sự cao nhưng về dài hạn Nhật Bản vẫn duy trì và tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến sinh nhằm bảo đảm bổ sung lực lượng lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, hỗ trợ người già tham gia vào thị trường lao động. Vấn đề già hóa dân số ở Nhật đang tạo sức ép cho nền kinh tế, cụ thể là hệ thống phúc lợi xã hội, vì vậy giải pháp được đưa ra đó là những phụ nữ và người già phải tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động để giảm bớt gánh nặng này. Từ năm 1986, Chính phủ Nhật Bản đã có quy định chính thức về việc thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm ở tất cả các đơn vị hành chính cấp thôn, quận và thành phố. Các trung tâm này hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước và chỉ thu một khoản phí rất nhỏ từ những người cao tuổi đăng ký tìm việc. Nhiệm vụ của trung tâm là giới thiệu những công việc đơn giản, ít tốn thời gian cho những người cao tuổi sống trong khu vực hành chính mình quản lý.
Thứ tư, nâng cao năng suất lao động. Khi số người già ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc những người hiện đang lao động sẽ phải gánh vác nhiều hơn để bảo đảm sự phát triển kinh tế đáp ứng đủ nhu cầu cho mọi người trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng. Vì vậy, nâng cao năng suất lao động là biện pháp được Chính phủ Nhật Bản áp dụng nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn lao động và góp phần giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Thứ năm, thu hút lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước. Hiện nay, Nhật Bản đang ngày càng có nhiều chính sách thu hút những người lao động từ nước ngoài. Đây cũng được coi là một trong những thành công lớn của Nhật Bản khi lượng lao động nhập cư vào nước này gia tăng đáng kể. Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cập nhật báo cáo cho biết, năm 2024, dân số của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 663.081 người và dân số đạt 122.298.912 người vào đầu năm 2025. Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là âm vì số lượng sinh sẽ ít hơn số người chết 765.040 người. Nếu tình trạng di cư vẫn ở mức độ như năm trước, dân số sẽ tăng 101.959 người. Điều đó có nghĩa là số người chuyển đến Nhật Bản sẽ chiếm ưu thế(2). Một cách khác để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động là việc tăng cường sử dụng rô-bốt trong sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Thứ sáu, nâng tuổi nghỉ hưu. Để giảm áp lực với hệ thống lương hưu, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi vào năm 2025. Các công ty được khuyến khích xóa độ tuổi nghỉ hưu để tiếp tục sử dụng lao động cao tuổi. Khuyến khích việc trì hoãn nhận lương hưu đến tuổi 70 để được cộng thêm 40% lương hưu. Bên cạnh đó, năm 2013, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho người cao tuổi. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi về hưu không trẻ hơn 60 tuổi, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp, gồm: Xây dựng chế độ tuổi về hưu là 65 tuổi; có biện pháp duy trì việc làm đến tuổi 65; bãi bỏ chế độ về hưu. Song song với đó, Chính phủ Nhật Bản cũng trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm; doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên đến tuổi 65.
Một số hàm ý chính sách
Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm mức tăng trưởng dân số đáp ứng tăng trưởng, phát triển kinh tế. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần đối mặt nhưng không thể phủ nhận sự thành công của Nhật Bản trong tận dụng lợi thế “dân số vàng” đưa nền kinh tế phát triển “thần kỳ”, trong đó đặc biệt đáng quan tâm là cách thức Nhật Bản lựa chọn phát triển kinh tế là đi theo chiều sâu, thể hiện rõ qua việc tập trung đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và thu hút đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có trình độ cao trên thế giới. Từ những thành công và hạn chế của Nhật Bản trong ứng phó với già hóa dân số có thể rút ra một số gợi ý cho Việt Nam như sau:
Một là, người nhập cư không giúp tăng tỷ lệ sinh, họ chỉ đóng vai trò thay thế người trưởng thành mà các quốc gia già hóa dân số đang thiếu hụt để bổ sung vào lực lượng lao động tại chỗ. Mỗi thế hệ người nhập cư do đó không đại diện cho một giải pháp vĩnh viễn và bền vững cho vấn đề già hóa dân số mà chỉ giải quyết vấn đề mang tính tức thời. Chính vì vậy, để giải quyết những tác động không mong muốn từ quá trình già hóa dân số ở thì hiện tại, các nước có thể khuyến khích nhập cư, tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề già hóa dân số và mang tính lâu dài cần có chính sách tăng mức sinh để bảo đảm lực lượng lao động kế cận tương xứng.
Hai là, vấn đề khuyến sinh nếu chỉ áp dụng bằng các hình thức, như giảm thuế, tăng ưu đãi khi sinh nhiều con, tăng ngày nghỉ thai sản… thì hiệu quả chưa thể đạt được như mong muốn. Bởi, tài chính, phúc lợi xã hội không phải yếu tố quyết định đến tỷ lệ sinh mà phong cách sống và nếp nghĩ mới là yếu tố có tính quyết định. Khi cuộc sống con người ngày càng đầy đủ sẽ kéo theo nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, chính điều này khiến cho nhiều thanh niên trẻ, đặc biệt là những người càng thành đạt có xu hướng giảm nhu cầu muốn kết hôn và sinh con. Nhiều phụ nữ trẻ hiện nay không còn đặt nặng nhiệm vụ sinh con và chăm lo việc nhà. Do đó, vấn đề cốt lõi là thay đổi được quan niệm, phong cách sống và nếp nghĩ của giới trẻ về việc lập gia đình và sinh con; thậm chí cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn với việc không lập gia đình nhưng vẫn sinh con, đặc biệt ở các nước nghiêng về truyền thống Á Đông. Thay vì chỉ tập trung vào việc tuyên truyền và đưa ra các chính sách khuyến sinh tập trung vào phụ nữ thì cũng cần có những chính sách khuyến khích đàn ông tham gia có trách nhiệm vào việc chăm sóc và nuôi dạy con cái trong dài hạn.
Ba là, Nhật Bản đã tận dụng rất tốt thời kỳ “dân số vàng” để phát triển kinh tế “thần tốc” từ đó xây dựng hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội toàn diện. Nhưng với những quốc gia có quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh trong khi nền kinh tế chưa đạt được tích lũy đủ để xây dựng hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi toàn diện sẽ dẫn tới tình trạng số đông người già phải sống dựa vào gia đình, con cái, những người còn trong độ tuổi lao động. Đây sẽ thật sự là gánh nặng lên các cặp vợ chồng trẻ. Chính vì vậy, việc kéo dài được thời gian “dân số vàng” hoặc làm chậm quá trình già hóa dân số trở nên thật sự cần thiết để giảm bớt những gánh nặng về kinh tế cũng như những hệ lụy từ điều này.
Bốn là, dù ưu tiên phát triển dân số hay kinh tế thì có một thực tế rõ ràng là giữa dân số và kinh tế có mối quan hệ qua lại với nhau, nếu chỉ tập trung kinh tế mà bỏ qua dân số hoặc ngược lại thì đều có thể dẫn tới việc kìm hãm sự phát triển.
Năm là, việc kiểm soát mức sinh hợp lý nhằm bảo đảm thế hệ kế cận và lực lượng lao động nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chính sách nhập cư… đều là những yếu tố nền tảng nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số. Nhưng mục tiêu cuối cùng cần hướng đến vẫn là việc bảo đảm được chế độ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người cao tuổi. Bởi già không có nghĩa là họ không còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi xu hướng già hóa đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, y học ngày càng phát triển, thì việc thế giới sẽ ngày càng có nhiều người già hơn là điều không thể thay đổi. Thay vì chỉ nhìn nhận già hóa dân số là một áp lực về kinh tế, thì các nước cũng cần xây dựng một kế hoạch để tận dụng được lực lượng người cao tuổi đang ngày càng nhiều lên.
Sáu là, thời gian hưởng dư lợi dân số diễn ra rất ngắn, nếu một nền kinh tế thất bại trong việc hưởng dư lợi dân số, đồng nghĩa với quá trình già hóa dân số diễn ra quá nhanh, khi đó sẽ phải đối mặt với cái gọi là bất lợi dân số.
Bảy là, để đối phó với già hóa dân số, nhiều nước chọn tăng mức sinh, tuy nhiên cũng phải chờ ít nhất sau 15 năm số người gia nhập lực lượng lao động mới tăng lên, điều này có thể làm giảm phụ thuộc già trong tương lai nhưng ngay lập tức lại làm tăng phụ thuộc trẻ và kéo theo hậu quả là quy mô dân số gia tăng. Chính vì vậy, khuyến khích những người trong độ tuổi lao động nhập cư sẽ làm giảm phụ thuộc, nhưng chính người nhập cư cũng già đi, trừ khi là họ bị buộc phải rời khỏi đất nước trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là chính sách nhập khẩu lao động mà một số quốc gia như Nhật Bản, Singapore đang áp dụng. Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với những nước có quy mô dân số rất lớn như Trung Quốc./.
----------------
(1) GS. Shunichi Inoue: Các chính sách và chương trình dân số tại Nhật Bản, Thông tin pháp luật dân sự, ngày 7-5-2018, https://phapluatdansu.edu.vn/2018/05/07/23/42/cc-chnh-sch-v-chuong-trnh-dn-so-tai-nhat-ban/
(2) Các số liệu và ước tính của Liên hợp quốc: https://danso.org/nhat-ban/
Trần Thị Thu Trang
Theo Tạp chí Cộng sản