Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.
Quang cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam đã xuất hiện một số rủi ro đối với cân đối lớn: Áp lực lạm phát gia tăng; lãi suất tăng nhanh; doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản do một số vấn đề trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, không ít doanh nghiệp đã bị cắt giảm đơn hàng. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.
Một số chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp đã có những khuyến nghị nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bà RAMLA KHALIDI, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam
Ngay từ khâu lập kế hoạch, việc ra quyết định đầu tư công nên được cơ cấu lại, thực sự nhìn vào kết quả đầu ra hơn là đầu vào, và điều đó sẽ giúp thu hút đầu tư tư nhân. Tôi tin rằng chúng ta cũng cần xem xét lại cách đầu tư có thể hỗ trợ các ưu tiên phát triển quốc gia. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo rằng các dự án liên tỉnh, liên vùng được hỗ trợ tốt hơn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, để hỗ trợ sản xuất kinh doanh đang gặp khó khi lãi suất tăng và việc tiếp cận nguồn vốn eo hẹp, chính sách tiền tệ cũng được tính đến trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản, có thể nới lỏng tín dụng hơn, phân bổ hợp lý, ưu tiên với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đóng góp cho nền kinh tế
Các đại biểu tham dự Diễn đan Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Ông DENIS BRUNETTI, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham)
Chính phủ VN đã đưa những chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Trong kì họp vừa qua, chúng ta cũng đã thấy Quốc hội Việt Nam đã thực sự đặt sự ổn định Kinh tế vĩ mô thành trọng tâm của hoạch định chính sách. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nên đặt mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Từ đó, tăng trưởng GDP sẽ được đảm bảo.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Ông FRANCOIS PAINCHAUD, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào
Chúng tôi đánh giá có 3 “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam: Thứ nhất là điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn. Thứ 2 là xung đột Nga - Ukraina. Và thứ 3 là sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó kinh tế VN vẫn có sự tăng tốc nhất định. Thời gian tới các thách thức từ kinh tế toàn cầu giảm sút, lãi suất tăng. Về triển vọng tăng trưởng thời gian tới của Việt Nam, nhờ sức tăng trưởng ấn tượng hết quý 3, chúng tôi nâng mức tăng trưởng kinh tế VN từ 7 – 7,5%, đây là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Ông KIM BYOUNG- HO, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Để tăng cường tính minh bạch và giúp ngành ngân hàng sẵn sàng đối phó với các thách thức và nguy cơ, chúng ta nên tăng cường hơn nữa kỷ luật thị trường. Từng ngân hàng trong hệ thống cần được trang bị hệ thống giúp đảm bảo tuân thủ kỷ luật để khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin đầy đủ nhất và đưa ra lựa chọn đúng đắn. Chi phí xã hội khi một hệ thống ngân hàng có vấn đề là rất lớn. Do đó, chúng ta cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường tính minh bạch, kỷ luật thị trường và xây dựng lòng tin.
Nhận diện được những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và nội tại bên trong đang đặt ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành nỗ lực tìm ra những giải pháp, triển khai đồng bộ nhằm góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng. Ngày 17/12/2022, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm nhằm lắng nghe, tổng hợp các khuyến nghị, giải pháp mà các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.
Bài 3: Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế