Sáng 28/7, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xin trân trọng giới thiệu nội dung Nghị quyết cùng bạn đọc.
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng góp phần hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngay trong nhiệm kỳ, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, góp phần sớm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, kết hợp với thí điểm, tiến tới hoàn thiện thể chế pháp luật thông thoáng, thúc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân. Khắc phục căn bản tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, giảm tối đa số lượng dự án đầu tư công, nhất là khởi công mới; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
- Tỷ trọng chi đầu tư ngân sách nhà nước chiếm khoảng 28% tổng chi ngân sách nhà nước; phấn đấu chi đầu tư ngân sách nhà nước chiếm 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công.
- Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
2. Định hướng:
a) Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự án liên kết vùng, liên kết các địa phương, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
b) Bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung; đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm, cơ bản hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh;. tuyến kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc, đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây,...
c) Việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đầu tư cho các ngành, lĩnh vực phải tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
d) Đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
- Việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công. Bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách cũng như khả năng trả nợ trong tương lai. Việc đàm phán, ký kết các hiệp định, Thỏa thuận vay phải phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ, không vay vốn với những dự án có điều kiện quy định gây bất lợi cho Việt Nam hoặc hiệu quả kém so với vay trong nước.
- Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô, ưu tiên đầu tư cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ của quốc gia; các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.
Điều 2. Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025
1. Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm:
a) Vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng, gồm: vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng;
b) Vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng.
2. Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn là 150.000 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 120.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 30.000 tỷ đồng.
3. Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.
Điều 3. Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia
1. Bố trí 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó:
a) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng;
b) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng;
c) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là 20.000 tỷ đồng.
2. Bố trí 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 02 dự án quan trọng quốc gia chuyển tiếp gồm: Giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và Đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông (giai đoạn 1) và 01 dự án khởi công mới Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2).
3. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư danh mục dự án và mức vốn cho từng dự án quan trọng quốc gia mới sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công từ số vốn 78.719 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án trọng điểm theo đề nghị của Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025
1. Việc phân bổ phải tuân thủ Hiến pháp, các quy định của Luật Đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các văn bản liên quan.
2. Việc phân bổ vốn phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, phù hợp với khả năng tài chính; bảo đảm cân đối vĩ mô, giữ vững an toàn nợ công.
4. Bám sát mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ cấu lại nền kinh tế, các đột phá chiến lược, bố trí vốn tập trung, khắc phục triệt để phân tán, dàn trải.
5. Quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư công, tập trung đầu tư các nhiệm vụ, chương trình, dự án, ngành, lĩnh vực, vùng trọng tâm, ưu tiên; tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch.
- Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, liên vùng, lan tỏa, các khu vực khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng vùng và cả nước...
- Ngân sách trung ương bố trí cho các dự án thuộc nhiệm vụ của trung ương, đồng thời, hỗ trợ các địa phương đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới có tính kết nối, liên kết vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của từng vùng.
- Tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".
Điều 5. Thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025
1. Thanh toán nợ đọng XDCB theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có);
2. Phân bổ đủ vốn để hoàn trả số vốn ứng trước kế hoạch thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước nhưng chưa bố trí đủ vốn để hoàn trả;
3. Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;
4. Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;
5. Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;
6. Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công.
Điều 6. Các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
1. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.500 nghìn tỷ đồng.
2. Nâng cao chất lượng bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý đầu tư công, đất đai, xây dựng; rà soát, tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh quy định pháp luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đúng pháp luật. Tiếp tục đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục, tăng cường giám sát, hậu kiểm, chống thất thoát, lãng phí.
3. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn với kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Kiểm soát chặt chẽ số dự án, thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công.
4. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định pháp luật.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch.
6. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng 10% nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bổ chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 7. Giao Chính phủ
1. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.
2. Đối với các dự án dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách trung ương, Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án đáp ứng đủ quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; đối với các dự án chưa đáp ứng quy định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án theo đúng quy định làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
2. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
3. Cho phép kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng, gồm: (i) Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của tỉnh Đồng Nai; (ii) Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; (iii) Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; (iv) Dự án Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh; (v) Dự án Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2; (vi) Dự án xây dựng tuyến nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính trên địa bàn tỉnh Hà Nam; (vii) Dự án đầu tư xây dựng Nâng cấp đê Tả sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120+600 đê tả sông Hồng đến K20+700 đê tả sông Luộc), tỉnh Hưng Yên; (viii) Dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình; (ix) Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; (x) Dự án nâng cấp đường ĐT.724 và xây dựng 03 cầu, thông tuyến đường ĐT.721 tỉnh Lâm Đồng; (xi) Dự án Đường tỉnh 922, thành phố Cần Thơ; (xii) Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 của Bộ Y tế. Trường hợp không giải ngân hết, thực hiện hủy kế hoạch theo quy định.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng của mình triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Vương Đình Huệ