Tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đưa ra 05 nhóm quan điểm chỉ đạo cụ thể như sau:
Nhóm quan điểm thứ nhất nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của vùng đối với cả nước: Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Các đồng chí chủ tọa Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ
và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Nhóm quan điểm thứ hai đặt ra yêu cầu về sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia, trong đó coi trọng liên kết, phát triển vùng; theo đó: Phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.
Nhóm quan điểm thứ ba tập trung nhấn mạnh các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực cần phát huy; khắc phục những hạn chế của vùng trong bối cảnh mới và định hướng phát triển các ngành kinh tế của vùng; Nghị quyết định hướng: Khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh mạng lưới đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.
Nhóm quan điểm thứ tư đặt ra yêu cầu về phát triển toàn diện vùng cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng, theo đó: Phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, giá trị lịch sử, nhất là văn hoá đồng bằng Bắc Bộ. Phát triển hệ thống y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, hiện đại, tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhóm quán điểm thứ năm đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với kiểm soát quyền lực; bảo đảm quốc phòng an ninh. Cụ thể: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; đẩy mạnh phân công, phối hợp và phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Quang cảnh Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ
và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Về mục tiêu, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát các quan điểm chỉ đạo như đã được trình bày ở trên; căn cứ vào thực trạng và định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW đã xác định mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh đến năm 2030: Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030, Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đưa ra 3 nhóm chỉ tiêu chính với 21 chỉ tiêu cụ thể cho phát triển vùng: (i) Nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế với 9 chỉ tiêu: Tăng trưởng, quy mô GRDP, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân, đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng, đóng góp kinh tế số vào GRDP, tỷ lệ đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; (ii) Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội với 6 chỉ tiêu: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, số giường bệnh và bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; (iii) Nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường với 6 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định, giảm lượng phát thải khí nhà kính...
Số liệu chi tiết đã có trong Nghị quyết, do thời gian có hạn tôi xin phép không nhắc lại ở đây, chỉ xin nhấn mạnh thêm là các nhóm chỉ tiêu cụ thể này là cụ thể hoá các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Như vậy, các chỉ tiêu đặt ra đối với vùng cao hơn so với mức chung của cả nước.
Về tầm nhìn đến năm 2045: Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Bài 3: Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế