Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, nhất là chuyển đổi số để có thể thích nghi với bối cảnh thị trường, giảm chi phí, giảm phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường qua tối ưu lộ trình vận chuyển dựa trên ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, chuyển đổi số cũng sẽ là chất xúc tác góp phần chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp logistics phát triển bền vững.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người) nên dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết.
Cùng đó, xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Một trong những nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn.
Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Phó Tổng giám đốc Công ty Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết chuyển đổi số trong logistics có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc triển khai giải pháp công nghệ đơn lẻ hoặc giải pháp toàn diện cho đến việc xây dựng mô hình logistics hoàn toàn mới dựa trên công nghệ số nhằm tạo ra những giá trị mới, cơ hội mới và nguồn doanh thu mới.
Tại Việt Nam, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp còn lúng túng trong việc áp dụng mô hình này.
Cụ thể như, việc thị trường có quá nhiều phần mềm số hóa, không tạo ra hệ sinh thái sẽ khiến ngành logistics phân mảnh, rời rạc, thiếu sự liên kết sâu và rộng.
Cùng với đó, tiềm lực tài chính là một trong những thách thức trong chuyển đổi số logistics tại Việt Nam hiện nay khi phần lớn doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA) cũng chỉ ra rằng, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%.
Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán. Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như: đổi trả, thu hồi, xử lý hàng cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt cũng tạo ra thách thức cho các đơn vị logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng lỗi hay đổi trả sản phẩm bảo hành.
Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần đầu tư mạnh hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Giữa tháng 9/2024, Hoà Phát Logistics chính thức công bố vận hành hệ thống các phần mềm quản lý vận tải gồm phần mềm điều hành vận tải, phần mềm đào tạo trực tuyến và phần mềm theo dõi hành trình vận tải.
Đây là một trong những chiến lược quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2024-2026, hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2030 của Hòa Phát Logistics.
Theo ông Nguyễn Đắc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoà Phát Logistics, việc chính thức đưa vào vận hành các phần mềm là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải của công ty.
Cùng đó, hệ thống mới sẽ góp phần cải thiện hiệu quả quản lý, tối ưu hóa vận hành và củng cố vị thế của Hoà Phát Logistics trên thị trường logistics ngày càng cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững.
Mới đây, Viettel Post là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia sự kiện Parcel + Post Expo 2024 tại Hà Lan đã khẳng định vị thế doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ logistics tại Việt Nam với chuỗi giải pháp logistics toàn trình thông minh.
Tại sự kiện, Viettel Post mang đến 5 sản phẩm công nghệ chủ lực gồm 3 hệ thống robot: robot chia chọn khai thác, robot vận chuyển tự hành, robot phân loại tự động và hai hệ thống quản lý tập trung là quản lý vận tải và quản lý kho hàng thông minh.
Đây là 5 sản phẩm công nghệ nằm trong chuỗi giải pháp logistics toàn trình thông minh do Viettel Post nghiên cứu, phát triển và làm chủ. Chuỗi giải pháp này hướng tới tự động hóa, tối ưu toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vận hành, quản lý kho bãi, phân loại, vận chuyển đến khâu giao nhận cuối cùng.
Tổng Giám đốc Viettel Post, ông Hoàng Trung Thành khẳng định việc làm chủ và ứng dụng công nghệ robotics là minh chứng rõ ràng rằng người Việt Nam có thể đi đầu trong các giải pháp công nghệ hiện đại.
Viettel Post không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế khắt khe mà còn sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới.
Nhằm nâng cấp thị trường số hóa logistics Việt, bà Nguyễn Thị Bạch Yến bày tỏ, chiến lược của Công ty Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog là trở thành nền tảng và hệ sinh thái tích hợp hóa đầu tiên cho hoạt động vận hành logistics với độ bao phủ lớn nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Do đó, bà Yến kỳ vọng những năm tới sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái giúp ngành logistics Việt Nam trở nên hiệu quả, hiện đại và cạnh tranh hơn tại thị trường trong nước và thế giới./.
Theo Uyên Hương,
Vietnamplus