Giao dịch với khách hàng tại một ngân hàng ở quận 1, TPHCM
Không còn cơ chế xin - cho
Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, NHNN đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng trong năm 2024 ở mức 15%. Đặc biệt NHNN chủ động giao room tín dụng cho từng NHTM một lần ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng tự quyết, chủ động kế hoạch kinh doanh, không còn cơ chế xin - cho. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của NHNN so với trước: vốn được chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị để được xem xét điều chỉnh room.
Ngay sau khi được giao room tín dụng, các NHTM đã chủ động thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm, thông qua các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay. Cụ thể, mở đầu năm mới 2024, BVBank đưa ra gói cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân chỉ từ 5%/năm với thủ tục vay đơn giản, thời gian xét duyệt hồ sơ trong vòng 24 giờ để vay mua, sửa chữa nhà để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh. ACB cũng triển khai gói tín dụng xanh, xã hội với 2.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6%/năm. Các khoản vay được lựa chọn duy trì ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn, giảm phí trả nợ trước hạn.
Không chỉ đưa ra các gói lãi suất, từ những ngày đầu năm, Agribank đã điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất cố định từ 7%/năm; đồng thời giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay bất động sản. Lãnh đạo Agribank cho biết: “Do được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với năm trước, tương đương khoảng 175.000 tỷ đồng nên Agribank lập tức phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên cũng như có tính chất mùa vụ nhằm cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế”.
Ông Khúc Văn Họa, Phó Tổng Giám đốc TPBank, cho biết, năm nay ngân hàng được giao room tín dụng bằng năm trước, xoay quanh 16%, nhưng do được giao từ đầu năm nên ngân hàng chủ động phân bổ ra các lĩnh vực mà ngân hàng chú trọng, không phải dè dặt, tính toán liệu cuối năm có đủ room để cho vay hay không.
TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:
Việc doanh nghiệp có tiếp cận được tín dụng dễ dàng hơn hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực hấp thụ của doanh nghiệp, nỗ lực của ngân hàng trong việc tiếp tục giảm lãi suất cũng như đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng…
TS CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV:
NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% chung cho các ngân hàng có ý nghĩa tạo cơ chế chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành và giám sát. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát các ngân hàng một cách linh hoạt để nắn dòng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, vào các khu vực động lực tăng trưởng, tránh để tín dụng tăng nóng, hạn chế đua lãi suất huy động vốn nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất và chất lượng tín dụng.
Linh hoạt điều chỉnh phù hợp thực tế
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và sẽ linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 vào khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, mức tín dụng đẩy ra nền kinh tế tăng thêm trong năm nay ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc cấp room tín dụng một lần trong năm sẽ giúp các NHTM có mục tiêu để phấn đấu. Để đạt được hạn mức tín dụng này là trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa và cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN sẽ giao thêm room cho các NHTM để tăng trưởng tín dụng”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng BVBank với lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5%/năm
Theo các chuyên gia kinh tế, với mức tăng trưởng được giao 15%, tổng lượng tín dụng phải giải ngân trong năm 2024 là khá dồi dào nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế lại là một câu chuyện khác. Đặc biệt, kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách neo lãi suất cao sẽ thẩm thấu vào các nền kinh tế, điều này khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu như Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh.
Về những lo ngại này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, cuối năm 2023 đã có một số tín hiệu khả quan cho nền kinh tế như số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 4-2023 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022 (gần 43.000 doanh nghiệp); quý cuối năm 2023, đơn hàng các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ cũng đã khả quan hơn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,6% so với năm trước… “Đây là cơ sở để tin tưởng kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo sggp.org.vn