Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nước ta.
Xuất khẩu gạo tăng cao
Thị trường gạo vẫn đang ở giai đoạn rất sôi động. Theo số liệu của liên bộ, ước tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với trị giá đạt khoảng 3,97 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 34,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực khi giá tăng cao, thu nhập người dân trồng lúa ngày càng được cải thiện. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những ngày đầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng và vươn lên mức cao nhất so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Có thời điểm giá gạo 5% tấm đạt tới 663 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan và Pakistan ở mức 560-570 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 648 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan giá chỉ 520 USD/tấn và Pakistan 488 USD/tấn.
Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
Cụ thể, chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt khoảng 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 3,56 triệu tấn); tiếp đến là chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1,5 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 545 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 487 nghìn tấn).
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, gạo Việt đang có nhiều cơ hội để cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Về thị trường, Việt Nam xuất khẩu ổn định hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm, các đơn hàng đa dạng từ gạo hạt dài, gạo thơm đến gạo dẻo. Chính phủ cũng đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu.
Nhờ đó, ngày 2/9/2022, gạo Cơm Vietnam Rice của Tập đoàn Lộc Trời đã xuất hiện ở hệ thống siêu thị châu Âu với giá bán lẻ 4.000 Euro/tấn. Đây là giá đắt nhất thị trường và đến nay, Lộc Trời vẫn duy trì được mức giá này.
Bà Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, ngoài trái cây, ngành hàng lúa gạo là “điểm sáng” giúp trợ lực cho xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam trong năm nay.
Hai mặt hàng này đã giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023. Đây là một trong những kết quả đáng khích lệ.
Để xuất khẩu gạo bền vững
Doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo để xuất khẩu bền vững.
Xu hướng tăng bất thường hiện nay của giá gạo được đánh giá là “con dao 2 lưỡi” với doanh nghiệp xuất khẩu, bởi sẽ dễ dẫn đến rủi ro khi doanh nghiệp ký đơn hàng với giá gạo cao và xuất đi với giá thấp. Chưa kể, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thu mua lúa gạo.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, nếu như doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng lúa thì sẽ chủ động được nguồn cung trong điều kiện diễn biến rất nhanh và bất thường của thị trường lúa gạo như thời gian qua.
Từ kinh nghiệm của Lộc Trời trong việc vận hành theo chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, ông Nguyễn Duy Thuận cho rằng, thứ nhất, cần mở rộng vùng trồng, tăng sản lượng cho xuất khẩu; tiếp tục tổ chức sản xuất lớn bắt đầu từ đơn hàng; xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.
Thứ 2, đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Canada, Australia; triển khai và mở rộng quy mô các mô hình canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP100, mô hình canh tác lúa hữu cơ… giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, nâng cao nhận thức về môi trường và tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
Ngoài ra, cần phát triển gạo chất lượng cao yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vận hành tốt các hệ thống quản lý chất lượng (SMETA, BRCGS, FSMA, HACCP…). Cuối cùng là xây dựng thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.
Về phía các cơ quan chức năng, Bộ Công thương đang nỗ lực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo.
Đơn cử, mới đây, triển khai Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia về Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo Việt Nam tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng thời nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc ổn định, bền vững, Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc từ ngày 29 đến 31/10.
Trong thời gian tại Bắc Kinh, đoàn công tác đã đề xuất và đạt được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nông sản, lương thực, đặc biệt là doanh nghiệp gạo Trung Quốc về việc tăng cường hỗ trợ giao thương, thiết lập các kênh trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xem xét ký kết các biên bản ghi nhớ về thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại giữa hai nước. Hỗ trợ đưa sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ truyền thống, các kênh thương mại điện tử của Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần duy trì thị phần, gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc.
Hiện nay, Bộ Công thương đang nghiên cứu, sửa Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo để tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành hàng này.
Theo nhandan.vn