Doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng chuyển đổi sang logistics xanh.
Yêu cầu chuyển đổi xanh ngày càng tăng
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty CP Logistics dược phẩm Đông Á, cho biết, hiện nay yêu cầu bắt buộc của khách hàng về chuyển đổi xanh hay các dịch vụ xanh ngày càng gia tăng.
Theo ông Mai Trần Thuật, hiện nay bên cạnh việc phải thích ứng với những xu hướng giao thương, kinh doanh mới như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải tính toán đến câu chuyện làm sao đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng và các chủ hàng.
"Bây giờ khách hàng có những yêu cầu bắt buộc chúng tôi phải phục vụ họ trên nhu cầu chuyển đổi xanh hay các dịch vụ mang lại cũng phải xanh. Do vậy, ngoài câu chuyện tăng cường những dịch vụ lên, song song với chuyện cắt giảm chi phí, chúng tôi bắt buộc phải đầu tư để làm sao đáp ứng được những yêu cầu mới của khách hàng", ông Mai Trần Thuật chia sẻ.
Câu chuyện của Công ty CP Logistics Dược phẩm Đông Á cũng là câu chuyện chung của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay. Theo bà Đặng Hồng Nhung, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics Việt Nam cũng đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15% và quy mô thị trường từ 40 đến 42 tỷ USD/năm.
Tham gia thị trường logistics hiện nay có trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, trong đó có những tên tuổi rất lớn của thế giới như DHL, CJ logistics và Maersk Lines… Doanh nghiệp Việt Nam cũng có những doanh nghiệp rất mạnh như Transimex, Sotran, Tân Cảng Sài Gòn là những doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Trước bối cảnh “xanh hóa” toàn cầu, logistics cũng là một ngành được đánh giá có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi, con số này có thể lên đến 11%.
Do đó, áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các nước, các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ đứng ngoài cuộc chơi.
Về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí và chuyển đổi xanh cũng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngành. Đơn cử như các dịch vụ vận tải với lượng carbon thấp, hoặc các dịch vụ đóng gói thân thiện với môi trường.
"Tôi nghĩ việc chuyển đổi xanh là áp lực hay là động lực sẽ tùy thuộc vào việc doanh nghiệp đối mặt và ứng dụng như thế nào", bà Đặng Hồng Nhung nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường đại học Thương mại cho rằng, hiện ngành Logistics đang phải đối diện với xu hướng xanh hóa và xu hướng này đang mang lại cả những cơ hội và những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, thuận lợi là kinh tế xanh đang được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng về kinh tế xanh tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2018-2021 vừa qua đã đạt mức 10-13%/năm, đóng góp vào GDP của Việt Nam khoảng 2%. Đấy là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.
Thêm nữa, về chính sách cho thấy Việt Nam đang có những cam kết rất mạnh mẽ, ở cả khía cạnh quốc tế, lẫn trong nước. Đơn cử những cam kết quốc tế từ năm 1992 ở Công ước khung của Liên hợp quốc, gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về giảm phát thải khí carbon của Việt Nam tại COP26.
Chuyển đổi xanh giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics.
Tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh thuận lợi, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Lớn nhất đó là áp lực từ phía thị trường. Xanh hóa chắc chắn ở giai đoạn đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí.
Ông Mai Trần Thuật cho rằng, khó khăn đầu tiên khi thực hiện logistics xanh là đầu tư. Bên cạnh đó, khi đưa logistics xanh vào, quy trình vận hành sẽ bị ảnh hưởng, từ nhân viên kho, nhân viên xe tải hay nhân viên điều phối có đáp ứng được những quy trình mới hay không? Kéo theo đó là thời gian, chi phí về đào tạo nhân sự, mua công nghệ mới và đưa vào vận hành…
“Do đó, cần tăng cường trợ lực từ chính sách vĩ mô, đặc biệt khi đưa vào thực hiện, đặc biệt cần có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào logistics xanh, đồng thời có sự đào tạo doanh nghiệp về logistics xanh...”, ông Mai Trần Thuật nêu ý kiến.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, logistics xanh không còn là xu hướng, cũng không phải là sự lựa chọn của doanh nghiệp mà sẽ là yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tìm hiểu và đưa những quy định xanh vào chiến lược kinh doanh.
Đối với những doanh nghiệp đã có chiến lược kinh doanh về logistics xanh và thậm chí đang triển khai logistics xanh nên thường xuyên rà soát để cập nhật các quy định mới cũng như các chính sách ưu đãi mới của Chính phủ. Vấn đề quan trọng là phải đi vào hành động. “Hoạt động chuyển đổi xanh là tất cả những hoạt động có tác dụng làm giảm lượng khí thải đến môi trường và thân thiện với môi trường. Kể cả việc làm sao để tối ưu hóa quy trình, giảm lượng giấy tờ thải ra môi trường cũng là một hoạt động trong việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nêu.
Với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối trong phát triển logistics quốc gia, Bộ Công Thương đang tích cực đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ để có những chiến lược thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh và phát triển bền vững.
"Thực ra các chính sách về phát triển logistics xanh không phải bây giờ mới có mà đã được lồng ghép trong tất cả những định hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam từ rất lâu về trước nhưng từ Hội nghị COP26 đến nay chúng ta mới thấy nổi bật hơn và được quan tâm hơn", bà Đặng Hồng Nhung chia sẻ.
Hiện tại Bộ Công thương đang tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics quốc gia đến năm 2025, trong đó Bộ Công Thương thường xuyên đẩy mạnh các công tác xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong tận dụng các FTA và phát triển các mối quan hệ ngành hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương phối hợp các Hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA)... để tổ chức các lớp tập huấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Đối với chính sách ưu tiên cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể của logistics hiện nay, bà Nhung cho biết, các dự án về xây dựng Trung tâm logistics đang thuộc danh mục ưu đãi đầu tư và được hưởng đầy đủ các ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, với đặc thù của doanh nghiệp logistics Việt Nam trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cũng được hưởng những ưu đãi theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình chuyển đổi xanh.
Theo nhandan.vn