Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo Nghị quyết, các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra như sau: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%; Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ; Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5-81,5%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ảnh: TL. |
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” - Quốc hội yêu cầu.
Nghị quyết nêu rõ, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Nghị quyết cũng xác định, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp lớn; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, nhất là với doanh nghiệp nhà nước; tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023; phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này./.
Theo dangcongsan.vn