Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đồng chủ trì buổi làm việc.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc làm việc
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 9-NQ/TW nêu rõ, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Sau khi Nghị quyết được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09 và đã đạt kết quả bước đầu.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc làm việc
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Chất lượng doanh nghiệp còn hạn chế, số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn còn rất hạn chế. Chưa có nhiều thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế, thương mại mang lại.
Để việc tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị giao Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; Đảng đoàn VCCI là cơ quan chủ trì. Để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 100-KH/BKTTW, ngày 1.8.2022 về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tại một số địa phương, bộ ngành, trong đó có Nam Định.
Tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tỉnh uỷ Nam Định tập trung làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh. Thứ hai, về các nhiệm vụ giải pháp đã triển khai để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương. Thứ ba, về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Thứ tư, với đặc trưng có nhiều làng nghề truyền thống, Nam Định đã làm gì để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển các làng nghề truyền thống? Đâu là các chính sách, giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nhân đầu tư để góp phần gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống? Đâu là chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp, nhất là các hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề truyền thống? Làm sao để đảm bảo cân bằng giữa việc phát triển các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống? Thứ năm, chỉ ra những cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tại địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó gắn với việc phát triển các làng nghề truyền thống. Cuối cùng, đâu là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành nhiều Nghị quyết lãnh đạo thúc đầy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh hằng năm đều có xu hướng tăng nhanh chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước. Tính đến ngày 31.7.2022, Nam Định có tổng số 10.958 doanh nghiệp (gấp 2,6 lần năm 2011) và 845 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, có 705 doanh nghiệp và 36 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 6.148 tỷ đồng… Trong thời gian vừa qua, Nam Định cũng đã có những bước đi khác biệt trong thu hút đầu tư; chọn lựa các lĩnh vực, nhà đầu tư phù hợp. Các loại hình doanh nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng trong tăng tưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 6.455 doanh nghiệp tính đến 31.12.2021, đứng thứ 8/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 26/63 cả nước. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước. Trong khi đó, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển doanh nghiệp, nhất là từ khu vực hộ kinh doanh, làng nghề. Hiện Nam Định có hơn 105 nghìn hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đứng thứ 5/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 12/63 cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đóng góp ý kiến vào việc tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng của Nam Định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đồng thời bổ sung thêm những thông tin cho công tác tổng kết Nghị quyết 09 của Ban Chỉ đạo,
Theo đó, nhiều ý kiến đã đưa ra các nhiệm vụ giải pháp đã triển khai để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển các làng nghề truyền thống; cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tại địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó gắn với việc phát triển các làng nghề truyền thống; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương…
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận một số kết quả mà tỉnh Nam Định đã làm được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, như: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lồng ghép, cụ thể hóa nhiều nhiệm vụ về phát triển cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong các nghị quyết chuyên đề về phát triển các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp để xây dựng đội ngũ doanh nhân, nhất là trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục được phát huy: Các doanh nghiệp từng bước phát triển về số lượng và quy mô, góp phần quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển các làng nghề
Tuy nhiên, cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 09 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà như kết quả phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế so với tiềm năng của tỉnh cũng như so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước; thiếu những giải pháp đột phá, thực chất hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; đặc biệt trong phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề…
Theo Đại biểu nhân dân