Tính đến ngày 3/2/2018, đã có 17 trong số 28 trạm thu giá dịch vụ đường bộ BOT đã triển khai làn thu phí tự động không dừng.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Chỉ thị nêu rõ, ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Sau gần 1 năm thực hiện Quyết định, các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu giá theo hình thức BOT, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống thu giá vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý, vận hành hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; chưa xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển sang thu giá tự động đối với từng trạm thu giá; việc triển khai đầu tư các trạm thu giá còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông…
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành khung tiêu chuẩn chung về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, làm cơ sở để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVHQ14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 1/2018 về lộ trình cụ thể chuyển thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng đối với tất cả các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trên toàn quốc; bảo đảm nguyên tắc chỉ sử dụng 1 công nghệ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng thống nhất trên toàn quốc.
Rà soát hành lang pháp lý, xây dựng Thông tư quy định về việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, kết nối liên thông, đồng bộ trong toàn quốc và mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ sử dụng 1 thẻ định danh (thẻ đầu cuối) để lưu thông qua tất cả các trạm thu giá.
Các nhà đầu tư dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT cùng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện ngay các thủ tục cần thiết để sửa đổi hợp đồng dự án, phục vụ việc chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng theo đúng quy định; thu đủ và đúng đối tượng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật; bảo đảm hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng vận hành liên tục và an toàn tuyệt đối thông tin; không can thiệp làm sai lệch thông tin, dữ liệu thu giá; bảo mật các thông tin cá nhân của chủ phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, dừng hoạt động thu giá đối với các dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg cho đến khi triển khai tổ chức thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến ngày 3/2, có 17 trong số 28 trạm thu giá dịch vụ đường bộ BOT đã triển khai làn thu phí tự động không dừng gồm: Trạm cao tốc Hà Nội Bắc Giang (Bắc Ninh); Tân Đệ (Thái Bình); Mỹ Lộc (Nam Định); Hoàng Mai (Nghệ An); Quán Hàu và Tasco Quảng Bình (Quảng Bình); Phú Bài, Bắc Hải Vân (Huế); Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Toàn Mỹ 14 (Đắk Nông); Đức Long 1, Đức Long 2 (Gia Lai); Bến Thủy 1 và 2 (Nghệ An), trạm cầu Đồng Nai.
Theo VnEconomy