Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là khu vực có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; cửa ngõ của Tây Nguyên, của Đường Xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế, thuận lợi giao lưu phát triển kinh tế và hình thành nền kinh tế mở.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc vùng kinh tế - xã hội nêu trên, là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Vùng gồm 05 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, với 72 đô thị; trong đó có 03 đô thị loại I (thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định), 02 đô thị loại II (thành phố Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam), 01 đô thị loại III (thị xã sông Cầu - tỉnh Phú Yên, thành phố Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa, thị xã Lagi - tỉnh Bình Thuận), 08 đô thị loại IV và 58 đô thị loại V. Quảng Nam là tỉnh có số lượng đô thị nhiều nhất trong tiểu vùng (19 đô thị). Thành phố Đà Nẵng có số lượng đô thị ít nhất cả vùng (09 đô thị) nhưng lại là nơi có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong vùng (87,2%). Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong vùng (24%).
Dưới đây là tổng hợp những ý kiến của Bộ Xây dựng đã phân tích, chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, thành tựu đạt được, hạn chế, bất cập, nguyên nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và một số đề xuất để phát triển hệ thống đô thị ven biển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
Ảnh minh họa
Hệ thống đô thị ven biển khu vực vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có những yếu tố thuận lợi như sau:
Thứ nhất, đây là khu vực được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa II về Chiến lượng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào các năm 1997 (Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010), năm 2004 (Quyết định 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020), năm 2014 (Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quỵ hoạch tổng thể phát kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030). Bên cạnh đó là nhiều quyết định khác trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hệ thống các văn bản này tạo hành lang pháp lý định hướng phát triển không chỉ của các đô thị ven biển mà của toàn bộ hệ thống đô thị của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thứ hai, hệ thống các đô thị ven biển của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có những điều kiện thuận lợi về kết nối không chỉ với các đô thị trong vùng mà còn với toàn quốc và quốc tế.
Với chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế là rất lớn. Đây còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ, cầu nối cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Theo hệ thống đường bộ, tuyến Quốc lộ 1A đi qua 25 đô thị, trong đó đi qua 09 đô thị ven biển của 05 tỉnh trong vùng. Tại Thừa Thiên Huế, trục các đô thị ven biển có động lực phát triển là: thành phố Huế - thị trấn Lăng Cô. Tại thành phố Đà Nẵng, động lực phát triển chính là trung tâm thành phố Đà Nẵng. Tại tỉnh Quảng Nam, trục các đô thị ven biển có động lực phát triển là thành phố Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn. Động lực phát triển chính của Quảng Ngãi là đô thị ven biển: thành phố Quảng Ngãi - thị xã Đức Phổ. Tại tỉnh Bình Định trục các đô thị ven biển có động lực phát triển là: thành phố Quy Nhơn - thị xã Hoài Nhơn. Hệ thống liên kết này đã kết nối hầu hết các đô thị ven biển, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc tuyến Quốc lộ 1A.
Bên cạnh liên kết đường bộ, hệ thống đường hàng không của các đô thị trong vùng cũng là một đặc điểm nổi bật của khu vực này. Trong số 5 tỉnh của vùng thì có 04 sân bay đang hoạt động (sân bay quốc tế Phú Bài - tỉnh Thừa Thiên Huế, sân bay quốc tế Đà Nẵng - thành phố Đà Nẵng, sân bay Chu Lai - tỉnh Quảng Nam, sân bay Phú Cát - tỉnh Bình Định), chỉ duy nhất tỉnh Quảng Ngãi không có sân bay. Trong đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay có lượng khách thông quan nhiều thứ 3 Việt Nam (sau sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài), được xếp vị trí thứ 23 trong top 30 sân bay tốt nhất châu Á năm 2015. Việc có các điểm kết nối hàng không như là một thế mạnh nổi trội trong việc liên kết giữa các đô thị trong vùng với các đô thị còn lại trong cả nước và quốc tế.
Một số đô thị ven biển gắn liền với những cảng biển có điều kiện thuận lợi kết nối nội địa và quốc tế: cảng nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An (tỉnh Thừa Thiên Huế), cảng Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng), cảng Kỳ Hà, cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), cảng Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), cảng Nhơn Hội, cảng Tam Quan, cảng Đê Gi (tỉnh Bình Định). Tất cả đã tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng và hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.
Thứ ba, đây là khu vực được thiên nhiên ưu đãi về du lịch với đường bờ biển dài (có nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn…) cùng các giá trị văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau; tạo tiền đề để phát triển hình thành các đô thị du lịch ven biển.
Vùng có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam (biển Mỹ Khê - Đà Nẵng, biển Cửa Đại - Hội An - Quảng Nam, biển Lý Sơn - Quảng Ngãi, vịnh Lăng Cô - Huế) và một số hệ sinh thái điển hình, như đầm phá, vùng cát, san hô; đặc biệt, có 3/8 di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế , Đô thị cổ Hội An; Khu đền tháp Mỹ Sơn Nam) và khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam (Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam). Đó là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch, thuận lợi cho những ngành, nghề kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển,...
Quyết định 2161/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế là trung tâm du lịch lớn nhất vùng, là đô thị du lịch, di sản, lễ hội; không gian phát triển du lịch di sản (thành phố Huế và phụ cận); không gian phát triển du lịch lịch sử - cách mạng (A Lưới); không gian phát triển du lịch biển đảo (bãi biển Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô) và hệ thống đầm phá Tam Giang, Lập An, Cầu Hai; không gian phát triển du lịch sinh thái gồm các vườn quốc gia và khu bảo tồn tự nhiên (Bạch Mã).
Theo Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tiểu vùng du lịch phía Bắc gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch di sản văn hóa thế giới gắn với đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, các giá trị văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, tham quan di tích lịch sử gắn với các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; nghỉ dưỡng biển - đảo; hội nghị, hội thảo; sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ cuối tuần; lễ hội, tâm linh...
Quy hoạch này xác định tập trung đầu tư phát triển 09 Khu du lịch quốc gia thì vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có 05 khu gồm là Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định); xác định 06 điểm du lịch quốc gia thì vùng có 04 điểm là Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định); xác định 04 đô thị du lịch thì vùng có 02 đô thị là thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An (Quảng Nam). Thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của Vùng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và tiểu vùng du lịch phía Bắc, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Bắc.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế như nêu trên, khu vực vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cũng cho thấy còn có những khó khăn:
- Là một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nhưng do xuất phát điểm nền kinh tế của một số tỉnh thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển nên đến nay vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung mới chỉ đạt mức tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn (GRDP/người) tương đương với mức bình quân đầu người (GDP/người) của cả nước (ngoại trừ Đà Nẵng); quy mô các đô thị cũng như nền kinh tế nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Điều này ảnh hưởng lớn tới quá trình đô thị hóa.
- Địa hình dốc, hẹp, địa thế trải dài, phía Tây là dãy Trường Sơn, hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ là một trở lực rất lớn đối với sự phát triển của vùng. Hệ thống các đô thị ven biển ở đây chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Biến đổi khí hậu với tần suất ngày càng tăng của các biến đổi bất thường của thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các tỉnh ven biển.
Toàn bộ 13 đô thị ven biển tại tiểu vùng đều chịu ảnh hưởng lớn, trong đó 05/05 tỉnh, thành trong khu vực có các đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đó là thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), thị xã Hoài Nhơn, thị trấn Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), thành phố Đà Nẵng. Hệ thống các đô thị ven núi chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở. Đây là một trong những trở ngại lớn khi đầu tư phát triển đô thị do đòi hỏi nguồn vốn cao, kỹ thuật xây dựng phức tạp. Ngoài ra, những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi xẩy ra sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như con người.
- Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là khu vực có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển và khu vực miền núi, ảnh hưởng nhiều đến công tác đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt các đô thị miền núi trong kết nối với các đô thị trong vùng, còn thiếu hệ thống giao thông liên vùng hiện đại, các tuyến đường cao tốc, các đường trục ngang nối với miền núi và Tây Nguyên.
- Thực tế nếu vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có Thủ đô Hà Nội là hạt nhân tạo sự phát triển lan tỏa chung cho cả vùng; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân phát triển thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có Thành phố Đà Nẵng, nhưng Đà Nẵng chưa thực sự đóng vai trò là hạt nhân tạo sự lan tỏa chung cho cả vùng. Sự di chuyển lao động trẻ, lao động có đào tạo từ miền Trung đến miền Đông Nam bộ trong những năm qua và vẫn đang tiếp diễn là thách thức đối với sự phát triển của vùng.
Từ thực tiễn phát triển của hệ thống các đô thị ven biển trong những năm qua, với những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có bước chuyển mình, công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị, đặc biệt là nhóm các đô thị ven biển đã đạt được những kết quả tích cực:
Thứ nhất, hệ thống đô thị tăng trưởng, phân bổ rộng trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 14 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 54,6%. Trong đó 03 đô thị ven biển là thành phố Huế (đô thị loại I), thị trấn Lăng Cô (đô thị loại V), đô thị mới Vinh Thanh (đô thị loại V).
Thành phố Đà Nẵng có 09 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 87,2%.
Tỉnh Quảng Nam có 19 đô thị, là tỉnh có số lượng đô thị nhiều nhất trong vùng, tỷ lệ đô thị hóa là 27,8%. Trong đó có 03 đô thị ven biển đó là: thành phố Tam Kỳ (đô thị loại II), thành phố Hội An (đô thị loại III), thị xã Điện Bàn (đô thị loại IV).
Tỉnh Quảng Ngãi có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 24%. Trong đó có 03 đô thị ven biển đó là: thành phố Quảng Ngãi (đô thị loại II), thị xã Đức Phổ (đô thị loại IV), đô thị mới Vạn Tường (đô thị loại V).
Tỉnh Bình Định có 17 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 44,4%. Trong đó có 03 đô thị ven biển đó là: thành phố Quy Nhơn (đô thị loại I), thị xã Hoài Nhơn (đô thị loại IV), đô thị mới Cát Khánh (đô thị loại V).
Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả 05 tỉnh (47,6%) cao hơn mức trung bình của nước. Tổng số có 13 đô thị ven biển và 59 đô thị còn lại được phân bổ tại các khu vực khác trong các tỉnh.
Thứ hai, quá trình đô thị hóa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị.
Đây là vùng kinh tế lớn thứ ba tại Việt Nam. Đặc trưng của vùng này là các khu kinh tế cảng biển tổng hợp. Hạ tầng công nghiệp trong vùng cũng phát triển về số lượng với 4 khu kinh tế ven biển (cả nước có 17 khu kinh tế ven biển) gồm: khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Chân Mây, và khu kinh tế Nhơn Hội; 01 khu công nghệ cao Đà Nẵng (cả nước có 03 khu công nghệ cao) và 32 khu công nghiệp (nằm ngoài các khu kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, triển khai thực hiện và đang kêu gọi đầu tư (cả nước có 326 khu công nghiệp). So với hai vùng kinh tế trọng điểm còn lại, vùng kinh tế này yếu kém hơn về mặt hạ tầng và nhân lực nhưng lại có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển lớn và phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước) và di sản thế giới (khu vực Trung Bộ chiếm 5/9 di sản thế giới tại Việt Nam). Khu vực này cũng có tiềm năng về phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải. Hạ tầng gồm có: sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay trung chuyển hàng hóa Chu Lai (tương lai); cảng Liên Chiểu và đặc biệt là dự án cảng trung chuyển Vân Phong; Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Đà Nẵng là điểm cuối trong Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào và Trung Trung Bộ Việt Nam.
03/5 tỉnh đều có đô thị loại I, riêng Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị đã xác định chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Điều này chứng tỏ sự mạnh mẽ phát triển đô thị trong tiểu vùng so với các tỉnh của vùng khác (có 02 đô thị loại I trực thuộc Trung ương).
Thành phố Đà Nẵng là thành phố tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế, và được coi là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” (Năm 2018, Đà Nẵng được chọn đại diện cho Việt Nam lọt vào Top 10 Địa điểm Tốt nhất để Sống ở Nước ngoài do Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn). Thành phố Huế là một trong những trung tâm về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Thành phố có năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam (Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016)). Trong khi đó, các đô thị ven biển khu vực các tỉnh Quảng Nam, Bình Định cũng đang trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Thứ ba, công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị được quan tâm; hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ, đặc biệt đối với các đô thị ven biển.
Cả 05/05 tỉnh của vùng đều đã ban hành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; các đô thị ven biển đều đã có quy hoạch chung được phê duyệt; các đô thị lớn từng bước đã lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phân khu và có chương trình phát triển đô thị từng đô thị. Đây là cơ sở để các đô thị có lộ trình đầu tư xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch.
Tại các đô thị ven biển, việc đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang được thực hiện thông qua các dự án như xây dựng nhà ở, biệt thự cao cấp, khu hành chính tập trung và các loại khác (như quảng trường, công cộng, công nghiệp, bảo tồn, phòng hộ, hạ tầng kỹ thuật cảng...). Việc đầu tư xây dựng các dự án này không những tạo diện mạo mới cho kiến trúc cảnh quan đô thị mà còn cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đã quan tâm và ban hành các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, hệ thống các đô thị ven biển cũng đã từng bước có lộ trình thích ứng và giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thứ tư, hệ thống chuỗi các đô thị ven biển từng bước tạo kết nối mạng lưới với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung - Nam, hỗ trợ liên kết phát triển giữa các vùng trên cả nước.
Với những điều kiện kết nối cả về đường bộ, đường hàng không và đường thủy như phân tích, khu vực vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với 05 tỉnh đã được quy hoạch hình thành, bố trí cơ bản hợp lý các chuỗi và chùm đô thị trong đó có hệ thống các đô thị ven biển bước đầu tạo mối liên kết, phối hợp, chia sẻ chức năng trong mỗi vùng, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong tổng thể chung vùng Duyên hải của Việt Nam, khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung là trung điểm của vùng, đã kết nối để hình thành chuỗi các đô thị du lịch biển. Căn cứ vào đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, lịch sử, văn hóa, lối sống, chuỗi đô thị du lịch biển duyên hải Nam Trung bộ được hình thành, trong đó khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung gồm: TP Huế, Thị trấn Lăng Cô, đô thị mới Vinh Thanh (Thừa Thiên Huế), TP. Đà Nẵng, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, đô thị mới Vạn Tường (Quảng Ngãi), thành phố Qui Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, đô thị mới Cát Khánh (Bình Định).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu như nêu trên, sự phát triển của hệ thống đô thị ven biển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, bất cập như:
Thứ nhất, tính liên kết vùng còn yếu; sự phát triển mất cân đối, chênh lệch giữa các vùng, đặc biệt giữa nhóm các đô thị ven biển và nhóm các đô thị vùng núi; có sự chênh lệch giữa các tỉnh thành trong vùng như tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng (87,2%) cao gấp đôi so với tỷ lệ đô thị hóa cả nước (40,5%) và gấp 3,6 lần tỷ lệ đô thị hóa tại tỉnh Quảng Ngãi (24%).
Các đô thị trung bình và nhỏ còn có những hạn chế về sự phát triển, vai trò động lực, góp phần tạo ra mật độ kinh tế ở một số vùng còn thấp. Phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu tập trung phát triển dải ven biển, trong khi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát triển cân đối hài hòa, đời sống, sinh kế của người dân còn nhiều khó khăn. Đây là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.
Thứ hai, chưa huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là từ đất đô thị từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị. Hiện nay, rất nhiều các dự án đầu tư xây dựng ven biển tại các tỉnh hoặc chưa triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ.
Thứ ba, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của các đô thị ven biển nói riêng và các đô thị nói chung chưa cao.
Thứ tư, năng lực, tư duy và trình độ quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Những hạn chế nêu trên một phần là do những nguyên nhân khách quan như lịch sử, khó khăn suy thoái và tình hình bất ổn kinh tế thế giới, những diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan, cụ thể là:
- Nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức.
- Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện.
- Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, nhiều nơi còn lỏng lẻo, tiêu cực.
- Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ và thống nhất. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn hạn chế.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm, tiêu cực chưa kịp thời và nghiêm minh; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa phát huy hiệu quả.
- Chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đã đặt ra yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức hơn trong công cuộc phát triển bền vững khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong các giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian tới, để phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam nói chung, hệ thống đô thị ven biển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, Bộ Xây dựng xin đề nghị một số nội dung sau:
Nhất quán triển khai những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong đó ưu tiên mấy nội dung sau:
- Quán triệt quan điểm phát triển của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa II về Chiến lượng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó “Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển:... Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh... giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.”
- Hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, cần tập trung nguồn lực, xây dựng lộ trình kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Thực hiện định hướng phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xác định tại Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu, đặc biệt là nhóm các đô thị ven biển.
Ngoài ra, 05 tỉnh phải tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, cụ thể như:
- Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, triển khai xác định khung phát triển chiến lược cho toàn vùng, xác định những ưu tiên đầu tư để phát triển đồng bộ và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống logistic; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên.
- Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững;
- Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Các tỉnh cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật diện rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án trọng, điểm nhất là giao thông tạo động lực phát triển các cực tăng trưởng, vùng đô thị, đô thị lớn, kết nối nông thôn – đô thị.
- Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các tỉnh cần rà soát các dự án đầu tư xây dựng ven biển chậm, muộn hoặc chưa triển khai trong thời gian vừa qua để có giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nhưng đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bảo vệ cảnh quan môi trường.
- Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.
- Cuối cùng là phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị./.
Cẩm Tú
(tổng hợp từ Tọa đàm Liên kết phát triển vùng
Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới)