Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) ở phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa phận 3 tỉnh, thành: Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam và Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu. Bốn đỉnh góc ứng với bốn đô thị là các thành phố Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc và thị xã Hà Tiên.
Ông Lương Sáu, ngụ ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nhớ lại, trước năm 1997, TGLX là vùng đất trũng, bị nhiễm phèn nặng, nhiễm mặn cao. Với 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng, một năm bà con chỉ sản xuất được một vụ mùa nên đời sống rất khó khăn.
Đứng trước tình hình đó, với tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và quyết đoán, ngày 22/4/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công đào các tuyến kênh T4, T5, T6 trải dài từ tỉnh An Giang qua tỉnh Kiên Giang và thông ra biển Tây với chiều dài hơn 100 km. Đây là công trình thủy lợi nhằm thoát nhanh nước lũ từ thượng nguồn đổ về để tránh thiệt hại ngập úng do lũ; đồng thời khai thác vùng đất hoang hóa TGLX với mục đích phát triển nông nghiệp. Kênh T5 có quy mô lớn nhất với chiều dài 48 km, rộng gần 40 m, sâu từ 3,5 - 4 m. Điểm đầu tuyến kênh này tiếp giáp với kênh Vĩnh Tế tại vàm T5 (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và kết thúc tại cống Tuần Thống (xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).
Kênh T5 được nhân dân gọi là "Kênh Võ Văn Kiệt" ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (Ảnh: AG) |
Khi kênh T5 được thi công cơ bản, các dòng kênh T6 (cũng thuộc xã Lạc Quới), kênh T4 (thuộc xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) được tiến hành đào. Kênh T4, T6 có nhiệm vụ hỗ trợ trong cả hệ thống công trình nên hẹp và ngắn hơn. Cuối tháng 8/1997, tuyến kênh dài 48km từ An Giang qua Kiên Giang được đào xong.
Việc cho đào hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mang lại sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, quốc phòng cho vùng đất rộng lớn, nơi biên cương phía Tây Tổ quốc. Theo nghiên cứu của ThS. Dương Thị Ngọc Thu - Học viện Chính trị khu vực IV và ThS. Dương Thị Tuyết Trinh - Trường Cao đẳng Vĩnh Long, hệ thống kênh này không chỉ tháo chua, rửa phèn, thoát lũ… mà còn có vai trò đưa nước ngọt, phù sa về vùng TGLX để cải tạo đất. Từ đó hình thành vùng sản xuất lúa năng suất cao, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu lúa, gạo ở 02 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Các giống cây màu, rau, đậu trồng vụ khô sau khi thu hoạch lúa đã giúp nâng cao đời sống người dân. Khoa học kỹ thuật âm thầm bám dân, bám ruộng nhưng làm đổi thay vùng biên. Sản lượng lúa liên tục tăng lên. Đất từ chỗ “cho không ai lấy” đã lên cả chục triệu đồng mỗi công.
27 năm sau ngày được đầu tư hệ thống kênh thoát lũ, vùng Tứ giác Long Xuyên nay đã trở thành một trong những vùng trọng điểm về sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 125.000 ha có thể trồng 2-3 vụ lúa/năm, năng suất ước đạt từ 7 - 8 tấn/ha, sản lượng hơn 4 triệu tấn lúa/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng của cả vùng. Những ngày mùa, nơi nào ở TGLX cũng bao trùm màu vàng óng của những cánh đồng lúa chín rộ chạy dài từ huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên đến Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành…, làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng TGLX, giúp người dân mở rộng sản xuất nông nghiệp, đồng thời đưa Kiên Giang, An Giang trở thành các địa phương đứng đầu về sản xuất lương thực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao sản lượng xuất khẩu gạo lên tầm thế giới. Hiện nay, hệ thống công trình này còn góp vai trò quan trọng trong việc trữ ngọt, chống hạn hán cho vùng TGLX.
Mùa vàng ở An Giang (Ảnh: Phương Liên) |
Từ cuộc sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau, giờ đây, hàng triệu cư dân vùng đất này đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ trở thành tỷ phú từ chính vùng đất, công trình thủy lợi này mang lại. Ông Hai Ân - dân ngụ cư lâu năm ở vùng đất này cho biết người dân 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang luôn biết ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt nên gọi dòng kênh T5 là “kênh Ông Kiệt” hay “kênh Ông Sáu”.
Cũng từ công trình rửa phèn, thoát lũ này, các địa phương đã phát triển thêm hệ thống giao thông, hạ tầng điện nước, tạo đà cho dân cư phát triển, hình thành nhiều vùng quê mới, phân bố lại dân cư, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới TGLX. Đường nông thôn quanh vùng được bê tông hóa, láng nhựa phẳng lì, thông suốt. Trên đường bộ, xe cơ giới, xe tải lưu thông; dưới dòng kênh, ghe xuồng chở máy móc, vật tư nông nghiệp, ghe mua lúa dập dìu xuôi ngược. Trường học từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Lạc Quới, Vĩnh Phước được xây dựng khang trang ngay bên dòng kênh T5 lịch sử. Học sinh thuận lợi được đến trường bằng xe đạp. Những dãy nhà tôn, nhà ngói dày đặc bên những dòng kênh… đã mang lại bộ mặt nông thôn vùng biên đổi mới, đầy sức sống.
Ở huyện miền núi, biên giới Tri Tôn, tỉnh An Giang, dọc theo trục chính kênh T5 và các tuyến kênh phụ đã được nhựa hóa, bê tông hóa cùng với hệ thống lưới điện được bao phủ tương đối toàn diện thu hút người dân từ các nơi về an cư lập nghiệp, vững tâm bám ruộng, cần cù, sáng tạo trong việc tăng gia sản xuất. Hiện nay, năng suất lúa bình quân cả năm huyện Tri Tôn đạt 6,26 tấn/ha và sản lượng lúa cả năm đạt 741.465 tấn. Trữ lượng nước ngọt đáng kể mà kênh T5 cung cấp giúp huyện phát triển mạnh kinh tế vườn, chăn nuôi, hình thành nên vùng 1.082 ha cây ăn trái trĩu quả với đa dạng chủng loại như: xoài, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn…
Tiến sĩ Lâm Quang Láng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cho rằng, lịch sử hình thành và phát triển của khu vực TGLX là lịch sử của một quá trình trị thuỷ trường kỳ của cư dân nơi đây. Là chiếc nôi của nền văn minh Óc Eo - Phù Nam rực rỡ, TGLX cũng là trái tim của nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo của miền Nam Việt Nam. Chính hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây đã góp phần mang lại sự phát triển vượt bậc cho vùng đất biên cương rộng lớn, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất phía Nam Tổ quốc từ thuở đi khai phá đến nay./.
Theo dangcongsan.vn