Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục được mở rộng, ước đạt 181.900 tỷ đồng, hiện đứng thứ 12 cả nước và đứng đầu trong các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm thực hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hiện đứng thứ 2 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay.
Đạt nhiều kỷ lục
Tỉnh Bắc Giang đã thu hút được hơn 3,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, đạt kỷ lục từ trước đến nay, riêng thu hút mới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt hơn ba tỷ USD và đứng thứ 4 cả nước. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,2%, giá trị sản xuất đạt 541.169 tỷ đồng, đóng góp hơn 85% giá trị, khẳng định vị thế mũi nhọn, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất đạt 40.516 nghìn tỷ đồng, vượt 6,6% so với kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Lĩnh vực nông nghiệp của Bắc Giang khẳng định được vị trí quan trọng trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam với những vùng cây ăn quả quy mô lớn; chăn nuôi lợn, gà phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước. Nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thu nhập cao đang là hình mẫu cho nhiều địa phương. Năm 2023, các sản phẩm nông sản trọng điểm đều được mùa, tiêu thụ thuận lợi. Toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 26,1% kế hoạch...
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023 đạt 13.041 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch, nằm trong nhóm 13 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt 88.650 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu ngân sách đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang khởi công và khánh thành hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm.
Đáng chú ý, tỉnh đã kiên trì đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho dùng ngân sách địa phương để mở rộng cầu Như Nguyệt, tháo một điểm nghẽn lớn về giao thông cho tỉnh. Đồng thời, tỉnh chủ động mời các địa phương giáp ranh bàn bạc, thống nhất đầu tư nhiều công trình cầu, đường kết nối quan trọng... Nhờ đó, Bắc Giang đã tạo dựng được hệ thống kết nối giao thông với Vùng Thủ đô cũng như hình thành hệ thống giao thông liên hoàn trong tỉnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Một trong những lĩnh vực luôn được Bắc Giang tập trung là hoàn thiện các khu công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có tám khu công nghiệp, trong đó có ba khu công nghiệp được quy hoạch mở rộng là Hòa Phú (mở rộng 85 ha), Quang Châu (mở rộng 90 ha), Việt Hàn (mở rộng 148 ha) và ba khu công nghiệp quy hoạch mới là khu công nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang) 105 ha; Yên Lư (Yên Dũng) 377 ha; Yên Sơn-Bắc Lũng (Lục Nam) 300 ha. Hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp đã và đang là nền tảng vững chắc tạo tiền đề cho kinh tế Bắc Giang phát triển theo hướng bền vững.
Nhiều kinh nghiệm quý
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định, để có được những kết quả nổi bật trong năm 2023, trước hết là do tỉnh đã làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình. Từ đó, đề ra những chủ trương đúng, trúng, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc; phát huy nội lực, đoàn kết, quyết tâm cao; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tranh thủ nguồn lực bên ngoài, làm tốt công tác đối ngoại, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong năm 2023 mà cả những năm tiếp theo.
"Năm 2024 tiếp tục còn nhiều khó khăn do tác động từ tình hình chung của thế giới, song đây là năm hết sức quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020-2025 của đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Vì thế, các cấp, ngành, địa phương của Bắc Giang cần tập trung rà soát các chỉ tiêu khó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 để tập trung chỉ đạo, thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện trên các lĩnh vực", đồng chí Dương Văn Thái nhận định.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Dương Ngọc Chiên khẳng định, có được kết quả trong phát triển kinh tế trước hết đến từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành và chính quyền các địa phương. Trong năm qua, lãnh đạo tỉnh đã triển khai rất nhiều các kỳ họp chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tận dụng được những tiềm năng, lợi thế tập trung cao để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dấu ấn thu hút đầu tư trong nước và đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Đánh giá về các chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức của Bắc Giang cũng đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Điểm nhấn là các ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thành công một trong những nhiệm vụ khó khăn của nhiều năm nay là giải phóng mặt bằng. Nhờ đó đã tạo được nguồn quỹ đất phong phú cho xây dựng các khu, cụm công nghiệp, mở rộng đường sá, phát triển giao thông và các khu đô thị, đầu tư cảnh quan môi trường thu hút đầu tư phát triển toàn xã hội.
Chia sẻ về những yếu tố tạo nên ấn tượng trong phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, khi nhiều ngành, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy né tránh thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, từ đó tạo nên một cú huých nhằm sốc lại tinh thần làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Điển hình là sự linh hoạt trong việc vận dụng các nguồn ngân sách trung ương và địa phương trong việc mở rộng các quốc lộ. Song song với đó, các cấp lãnh đạo tỉnh đã kịp thời dự báo chính xác về tình hình kinh tế-xã hội để đưa ra các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Việc dự báo chính xác đã góp phần tạo sự chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cũng như các chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư. Đơn cử, trước đây, quy định của Nhà nước về thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất có thời gian là 90 ngày nhưng sau đó quy định mới xác định thời gian là 120 ngày thì Bắc Giang ngay lập tức triển khai việc đấu giá đất xong trong tháng 8/2023 để bảo đảm nguồn thu cho đầu tư phát triển.
Yếu tố sâu sát, mạnh dạn trong chỉ đạo điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của Bắc Giang, giúp phát hiện ra các điểm nghẽn, các nút thắt, từ đó, xác định những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của tỉnh thì phân tích, thống nhất giải quyết ngay. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn trực tiếp ra tận các bộ, ngành, gửi lên Quốc hội, Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, tỉnh luôn tận dụng các cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại Bắc Giang với các nhà đầu tư nước ngoài. Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang vững tin, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Theo nhandan.vn