Lắp ráp sản phẩm tại Công ty Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh).
“Đất lành chim đậu“
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Nhật Bản đã và đang củng cố và mở rộng công việc kinh doanh của mình tại thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh do nhận định Việt Nam đang từng bước chứng tỏ năng lực cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (hoạt động tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh) mới đây đã đăng ký tăng vốn đầu tư, nâng tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn Intel tại Việt Nam lên gần 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, có trên 55% dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản (trong tổng số trên 1.470 dự án đang hoạt động tại thành phố) đăng ký mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng 8% so với trung bình các năm trước. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại thành phố Hồ Chí Minh, đây là con số tăng đầu tư rất lớn so với từ trước đến nay tại thành phố. Đáng chú ý, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
“Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quyết định mở rộng đầu tư là do nhu cầu xuất khẩu trên thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá tiềm năng doanh thu, phát triển tại thị trường nội địa của Việt Nam cũng rất lớn. Đặc biệt, môi trường đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi”, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại thành phố Hồ Chí Minh Hirai Shinji nhấn mạnh.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nidec Servo Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất mô tơ cho các thiết bị điện tử, đang hoạt động tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh) Araki Takahisa cho biết: “Trình độ tay nghề và các kỹ năng cơ bản của lao động Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Yếu tố đó cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi khiến chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay”.
Năm 2021, dù dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại cho thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố vẫn đạt 7,38 tỷ USD, tăng 38,48% so với cùng kỳ. Đây là kết quả khẳng định nỗ lực giữ ổn định sản xuất, kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư mà các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả...
Nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng
Cải thiện môi trường đầu tư luôn là nhiệm vụ mà lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên. Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm được thành phố đề ra trong năm 2022, có 2 nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà UBND thành phố Hồ Chí Minh chú trọng triển khai, gồm: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng hành cùng sự phát triển của nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách linh hoạt...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, tham gia giải quyết từng vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Để đầu tư lâu dài tại Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ tại địa phương. Nắm bắt được yêu cầu này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 300ha, nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, chuyển đổi số là chìa khóa để thành phố Hồ Chí Minh mở cánh cửa giao thương sâu rộng hơn với thế giới. Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư nền tảng hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu và dùng phương tiện này để quản trị thành phố. Giải pháp này sẽ giúp minh bạch các cơ chế, chính sách, tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài tại thành phố.
Theo hanoimoi.com.vn