Tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Trong bối cảnh những năm đầu triển khai Nghị quyết 54, nền kinh tế của cả nước gặp phải những khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Thừa Thiên Huế đã “lội ngược dòng” và liên tục tăng qua các năm từ vị trí xếp hạng thứ 20/63 (năm 2019); thứ 17/63 (năm 2020); thứ 8/63 (năm 2021) lên thứ 6/63 (năm 2022). Trong đó một số chỉ số thành phần được cải thiện tích cực như: Chỉ số Gia nhập thị trường tăng từ 7,11 điểm (2019) lên 7,22 điểm (2022); Tiếp cận đất đai từ 6,66 (2019) lên 7,25 (2022); Tính minh bạch tăng từ 6,57 điểm (2019) lên 6,75 điểm (2022); chỉ số Chi phí thời gian tăng từ 6,56 điểm (2019) lên 7,88 điểm (2022); chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 6,69 điểm (2019) lên 7,18 điểm (2022); Thiết chế pháp lý tăng từ 6,96 điểm (2019) lên 8,35 điểm (2022)… Qua đó góp phần đưa điểm số PCI của Tỉnh Thừa Thiên Huế xếp vào danh sách Top 10 địa phương dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. “Điểm số PCI tăng dần qua các năm đã cho thấy tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều công sức trong việc cải thiện công tác điều hành của địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định điểm số PCI của tỉnh tăng dần qua các năm.
Tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên chú trọng đến việc hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức và quy mô khác nhau: Tham dự Diễn đàn với chủ đề: “Đột phá cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên: tăng trưởng xanh và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững” do Bộ Ngoại Giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng; Tham dự “Hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung Bộ, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng” tại Tỉnh Nghệ An; Tham dự Tọa đàm với Đoàn Đại học kinh doanh Copenhaghen chia sẻ một số bài học liên quan đến chiến lược phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp, tham dự các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và ký kết các thoả thuận hợp tác về xúc tiến đầu tư với các tổ chức, hiệp hội tại nước sở tại như: “Chương trình quảng bá địa phương tại Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2023”; tham gia Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu” tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản và kết hợp đi thăm và làm việc với các địa phương có quan hệ hợp tác gồm phủ Kyoto và tỉnh Gifu (Tháng 7/2022); Tham gia đoàn công tác tham dự diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào tại Thái Lan; Tham gia Đặc san kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023); Tham dự buổi làm việc với Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) về tình hình hoạt động kinh doanh đầu tư của Tập đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế và cung cấp các chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Vui gặp mặt các doanh nghiệp FDI định kỳ.
Sáng tạo, linh hoạt trong thu hút đầu tư
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, trong bốn năm thực Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, trong năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh thu hút được 32 dự án đầu tư mới với tổng mức đầu tư 10.963 tỷ đồng, thu hút được 20 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng. Năm 2021, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư giảm mạnh do việc đi lại hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chấp thuận 32 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 14.500 tỷ đồng. Trong năm 2023, ngoài UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 27 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.261,5 tỷ đồng, đã hoàn thành lựa chọn được 14 nhà đầu tư thực hiện dự án (bao gồm 3 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2022,2021 nhưng đến năm 2023 hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư), tổng mức đầu tư khoảng 5.390,7 tỷ đồng; công nhận 3 nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua kết quả đấu giá lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 351,678 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút được tổng cộng 140 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 61.733,5 tỷ đồng, trong đó hoàn thành lựa chọn được 83 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 34.619.7 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ; coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết thêm: Để đạt được kết quả tối ưu trong công tác xúc tiến đầu tư, hàng năm, tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và đưa ra quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ; coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập 4 Tổ Công tác liên ngành do đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, nhằm trực tiếp đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có. Hiện nay, Tổ công tác đã cụ thể thêm một bước là giao trách nhiệm cho các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) phụ trách từng nhóm dự án có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan, làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư tác nghiệp cùng các Sở, ngành xử lý từng nội dung công việc vướng mắc.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, động viên tinh thần, lắng nghe chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình cà phê sáng cùng doanh nghiệp, Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, động viên tinh thần, lắng nghe chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp đồng thời cũng là nơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp với nhau.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông.
“Xác định việc đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là ưu tiên hàng đầu, theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định./.
Theo dangcongsan.vn