Đồng tiền euro.
Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dường như đã thoát khỏi kịch bản rơi vào một cuộc suy thoái mới, nhưng những lo ngại về việc liệu các số liệu tăng trưởng dự kiến được công bố vào đầu năm tới sẽ có dấu cộng hay dấu trừ ở phía trước vẫn đang trở thành vấn đề lớn cần được quan tâm.
Tin tốt là liên minh tiền tệ gồm 20 quốc gia này đã tránh được cuộc suy thoái sâu sắc, có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình và hệ thống ngân hàng trong nhiều năm. Tin xấu là tốc độ tăng trưởng của khu vực đang dao động quanh mức 0 và có rất ít khả năng thúc đẩy một đà phục hồi kinh tế đáng kể.
“Những cơn gió ngược” đối với nền kinh tế Eurozone vẫn đang rất mạnh mẽ. Do vậy, năm 2024 sắp tới cũng sẽ là một năm đầy thách thức đối với khu vực đồng tiền chung và tiềm năng tăng trưởng của Eurozone đang mờ dần, cho thấy khu vực này sẽ gặp khó khăn để tăng trưởng ở mức hơn 1% ngay cả khi đạt được sự phục hồi mạnh mẽ.
Những vấn đề mang tính cơ cấu sâu sắc chưa được giải quyết có nghĩa là kinh tế châu Âu chắc chắn sẽ bị tụt hậu so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác trong nhiều năm tới.
Những nhận định trong ngắn hạn
Triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế Eurozone không tốt, nhưng cũng không tệ. Dữ liệu hôm 14/11 cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone trong quý 3/2023 giảm 0,1% so với quý trước đó, báo hiệu một cuộc suy thoái nhẹ đang dần hiện ra nếu diễn biến của quý 4 yếu kém như các chỉ số ban đầu cho thấy.
Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, tăng trưởng nhìn chung không thay đổi trong cả năm 2023 và lãi suất cao kỷ lục - hệ quả của lạm phát gia tăng - cùng với chi tiêu ngân sách thắt chặt hơn sẽ hạn chế mức tăng trưởng chỉ còn 0,6% trong năm tới.
Những người lạc quan, bao gồm cả nhà kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói rằng nhu cầu sẽ phục hồi khi mức lương thực tế của người lao động đang tăng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng.
Thị trường lao động vẫn thắt chặt và nền kinh tế thế giới đang phục hồi nên nhu cầu bên ngoài cũng có khả năng sẽ cải thiện.
Mặt khác, những người thận trọng hơn cho rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi niềm tin mà ECB đang kỳ vọng, do chi phí đi vay cao cản trở hoạt động đầu tư, thị trường lao động yếu đi và nhu cầu ở nước ngoài không đạt như kỳ vọng.
Cố vấn kinh tế của UniCredit, Erik Nielsen cho biết: “Châu Âu đã trải qua một năm tăng trưởng bằng 0 và hiện đang sắp bước vào một năm mà cả chính sách tiền tệ và tài chính đều được thiết lập để kìm hãm đà tăng trưởng.”
Triển vọng kém tươi sáng
Dân số trong độ tuổi lao động của châu Âu sẽ giảm trong khi năng suất lao động tăng rất ít. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Eurozone phàn nàn rằng tình trạng quan liêu ngày càng gia tăng, khiến khả năng cạnh tranh của họ bị suy yếu, trong khi quá trình hội nhập của Eurozone phụ thuộc vào một liên minh kinh tế đang bị đình trệ và có rất ít ý chí chính trị rõ ràng.
Ủy ban châu Âu (EC) hiện đặt mục tiêu tăng trưởng của khối ở mức dưới 1,5%, thậm chí còn giảm xuống còn 1,2% vào năm 2027, từ mức mục tiêu 2% -2,5% được công bố vào đầu thế kỷ này, chủ yếu do sự thay đổi nhân khẩu học và hiệu quả kinh tế yếu kém.
Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán ở mức khoảng 1,8% và giữ ổn định.
Sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động ở châu Âu cũng có thể là một điều bất thường. Lo ngại về khó khăn tuyển dụng trong tương lai, các công ty hiện đang tập trung vào công nhân, tạo ra sự thắt chặt hơn nữa trên thị trường lao động, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và làm suy yếu năng suất.
Nhà kinh tế Reinhard Cluse của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Sự thiếu hụt lao động có trình độ, vốn trở nên trầm trọng hơn do quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và sự không phù hợp về kỹ năng, đang thúc đẩy các công ty tích trữ lao động bất chấp áp lực chi phí gia tăng và sự bất ổn kinh tế.”
Đức dường như là nước đang chịu nhiều lực cản nhất từ “những làn gió ngược” này. Các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng của nước này phụ thuộc vào nhu cầu tăng trưởng bên ngoài, khiến Đức không có sự chuẩn bị tốt cho sự thay đổi, đặc biệt là các nguồn năng lượng mới đắt đỏ và căng thẳng thương mại. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện ở mức dưới 1%.
Trong khi đó, các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đạt được sự đồng thuận về những vấn đề lớn hơn nhằm giúp định hình tương lai
Những vấn đề này bao gồm vai trò của di cư trong việc giảm bớt tình trạng thiếu lao động, liệu có hay không nên thành lập một liên minh ngân hàng và liệu họ có nên sử dụng chi tiêu tập trung để giải quyết các vấn đề trên toàn khối 27 quốc gia hay không./.
Theo vietnamplus.vn