Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phát tín hiệu tạm dừng việc tăng lãi suất trong hai tháng tới để chờ một xu hướng nhất quán hơn trong các dữ liệu kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang phát đi những tín hiệu xung đột, khiến Fed “không biết đường nào mà lần”: các số liệu về tăng trưởng và việc làm vẫn mạnh, trong khi lạm phát đã giảm nhiều so với mức đỉnh thiết lập vào năm ngoái, và đà tăng của lãi suất dài hạn có vẻ đang giúp Fed làm bớt công việc thắt chặt.
“Tôi tin là chúng tôi có thể đợi, để xem nền kinh tế sẽ tiến triển như thế nào, trước khi có động thái cụ thể tiếp theo về lãi suất chính sách”, Thống đốc Fed Christopher Waller phát biểu ngày 18/10 tại một hội thảo do Trung tâm Kinh tế và tài chính châu Âu (EEFC) tổ chức tại London.
Theo ông Waller, điều khiến Fed “khó xử” khi hoạch định chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại là các hộ gia đình Mỹ không cắt giảm chi tiêu do dù tiền lương tăng chậm lại. Ông nhấn mạnh rằng “bài toán hóc búa” đối với Fed bây giờ là các hoạt động kinh tế vẫn nóng trong khi lạm phát dịu đi.
Vị Thống đốc Fed nhận định câu chuyện kinh tế Mỹ sẽ không thể tiếp tục như thế này, nhưng còn quá sớm để biết các dữ liệu sẽ đi theo chiều hướng như thế nào. Nếu nền kinh tế suy yếu, “chúng tôi có thể giữ lãi suất chính sách ổn định” - ông nói.
Còn trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục mạnh hoặc lạm phát chững lại hay tăng tốc, “việc thắt chặt thêm chính sách tiền tệ có thể sẽ là cần thiết, cho dù lãi suất dài hạn gần đây đã tăng liên tục”, ông Waller phát biểu tại hội thảo.
Được đưa ra bởi ông Waller, một trong những nhà hoạch định chính sách tiền tệ cứng rắn nhất của Fed, những nhận định trên được coi gần như một sự đảm bảo rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 31/10-1/11. Đây sẽ là cuộc họp thứ hai liên tiếp Fed “án binh bất động” về lãi suất. Tuy vậy, phát biểu của ông Waller cũng để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trước khi kết thúc năm 2022.
Nói về việc cắt giảm lãi suất, vị Thống đốc nói: “Tôi không thực sự muốn đề cập đến hạ lãi suất khi chúng tôi thậm chí có thể chưa dừng tăng lãi suất”.
Cùng ngày 18/10, phát biểu tại một sự kiện ở trường Queens College, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams đưa ra quan điểm tương tự.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cần nguyên giữ lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt này trong một thời gian” để kéo lạm phát xuống - ông Williams nói, cho rằng Fed đã đạt được bước tiến trong việc giảm lạm phát nhưng vẫn còn một chặng đường phải đi.
Kể từ khi bắt đầu thắt chặt vào tháng 3 năm ngoái, Fed đến nay đã có 11 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang - lãi suất ngắn hạn và là lãi suất điều hành của Fed - lên ngưỡng 5,25-5,5%.
Trong quá trình Fed tăng lãi suất, tốc độ lạm phát ở Mỹ thể hiện qua mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ đỉnh hơn 40 năm hơn 9% vào mùa hè năm ngoái xuống còn 3,7% trong tháng 9 vừa qua. Lạm phát thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn - sau khi đạt đỉnh ở 7% vào năm ngoái hiện giảm còn 3,5%.
Dù vậy, các mức lạm phát này vẫn cao gần gâp đôi so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Liệu lãi suất ngắn hạn đã đủ cao để đưa lạm phát giảm một cách chắc chắn về 2% đang là một câu hỏi khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed “đau đầu”, nhất là khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài - tức lãi suất dài hạn - liên tục tăng thời gian gần đây.
Kể từ đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Fed vào tháng 7, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 1 điểm phần trăm, vượt ngưỡng 4,9%. Một số quan chức Fed, bao gồm cả ông Waller, nói rằng lãi suất dài hạn trên thị trường tài chính tăng cao như vậy có thể sẽ gây suy yếu nhu cầu và các hoạt động kinh tế, qua đó giảm bớt sự cần thiết Fed phải tăng thêm lãi suất.
Fed càng khó xác định phương hướng hơn khi họ lắng nghe thông tin từ doanh nghiệp và các hộ gia đình cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế có thể đang suy yếu. Báo cáo “Beige Book” mới nhất của Fed, công bố vào ngày 18/10, cho thấy các chi nhánh khu vực của Fed đánh giá rằng hoạt động kinh tế trong khoảng 6 tuần kết thúc vào hôm 6/10 hầu như không tăng so với kỳ báo cáo trước đó. Đánh giá này cho thấy có sự thiếu đồng nhất giữa các dữ liệu cứng cho thấy nền kinh tế vẫn trụ vững, và những bằng chứng trên thực tế nói lên một câu chuyện khác.
Theo Vneconomy