Là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng nỗ lực kích thích kinh tế để phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Trung Quốc bắt đầu kiểm soát tín dụng ở một số lĩnh vực và đối mặt với thách thức của hồi phục kinh tế, đó là làm thế nào để rút lại các biện pháp kích thích kinh tế của thời Covid-19 mà không làm mất đi xung lực tăng trưởng hoặc gây bất ổn rộng lớn hơn cho thị trường?
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang lo ngại một thị trường nhà đất trong nước quá nóng và muốn ngăn chặn những mất cân bằng lớn hơn trong nền kinh tế. Họ cũng muốn nối lại một chiến dịch trong nhiều năm trước đó để kìm hãm khối nợ khổng lồ ở trong nước, vốn bắt đầu phình lên đầu cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2009. Nếu xử lý không khéo léo, nỗ lực thắt chặt tín dụng của Trung Quốc có thể làm suy yếu khả năng phục hồi của nước này, cản trở đà bật dậy của nền kinh tế toàn cầu.
Hành động thận trọng
Các kế hoạch giảm kích thích kinh tế của Trung Quốc cũng có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề lớn hơn nếu chúng kích hoạt nhiều vụ vỡ nợ hơn hoặc gây ra cú điều chỉnh lớn trên thị trường chứng khoán của nước này vào thời điểm mà giới nhà đầu tư toàn cầu đang bất an với nhiều vấn đề như lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, nguy cơ lạm phát tăng nóng khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu tăng tốc.
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
Vì những lý do đó, các nhà kinh tế cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ hành động từ từ và, dần thắt chặt tín dụng ở một số khu vực của nền kinh tế và tránh những động thái mạnh tay hơn như tăng lãi suất.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Standard Chartered, nói: "Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định nới lỏng kích thích và thắt chặt chính sách nhưng họ đang xúc tiến kế hoạch này một cách thận trọng, chứ không đột ngột chuyển hướng 180 độ".
Trung Quốc đã báo hiệu kế hoạch giảm dần các gói kích thích kinh tế tại kỳ quốc hội thường niên được tổ chức ở Bắc Kinh vào đầu tháng 3 này. Các nhà kinh tế cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 ở mức ‘trên 6%', một tốc độ tương đối thấp nếu xem xét dựa vào xung lực tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn linh hoạt rút lại các biện pháp kích thích trong những tháng tới. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo dự nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tưởng khoảng 8% trong năm nay.
Trung Quốc đã hạ mục tiêu thâm hụt tài khóa (chênh lệch giữa chi tiêu và thu ngân sách của chính phủ) xuống còn 3,2% GDP trong năm nay, từ mức 3,6% năm 2020.
Mức thâm hụt nhỏ hơn cho thấy một chính sách tài khóa hạn chế hơn. Chính phủ cũng cắt giảm hạn ngạch phát hành đối với trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, một loại hình huy động vốn ngoài ngân sách để tài trợ cho các chương trình đầu tư ở địa phương như cơ sở hạ tầng, xuống còn khoảng 560 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, giảm từ mức 576 tỉ đô la vào năm ngoái.
Bắc Kinh đã không thông báo phát hành thêm trái phiếu đặc biệt của chính phủ trung ương trong năm nay, sau khi bán khoảng 154 tỉ đô la trái phiếu như vậy vào năm 2020.
"Khi nền kinh tế nối lại đà tăng trưởng, chúng tôi sẽ thực hiện những điều chỉnh phù hợp trong chính sách nhưng ở mức độ vừa phải. Một số chính sách tạm thời sẽ bị loại bỏ dần, nhưng chúng tôi sẽ đưa các chính sách mới như cắt giảm thuế và phí để bù đắp", Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường cho biết tại một cuộc họp báo hôm 11-3.
Lo ngại khối nợ đang phình to
Hồi tháng 1 vừa qua, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã rút thanh khoản lớn hơn dự kiến thông qua các hoạt động trên thị trường mở hàng ngày, một công cụ được sử dụng để kiểm soát nguồn cung tiền có sẵn cho các ngân hàng thương mại. Điều đó đã nhanh chóng đưa mức lãi suất vay tiền ngắn hạn chủ chốt lên mức cao nhất trong vòng 5 năm, khiến các ngân hàng tốn kém hơn khi vay từ PBoC.
Để kìm hãm giá bất động sản đang tăng cao, các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc gần đây áp đặt các quy định mới khiến các nhà phát triển bất động sản, vốn thường sử dụng tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, gặp khó khăn hơn trong việc vay mới từ các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc nhích nhẹ trong tháng 2-2021, sau khi giảm trong bốn tháng liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng với những thông điệp gần đây của Bắc Kinh, hoạt động cho vay sẽ chậm lại.
Ngược lại, tuần trước, Mỹ đã thông gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 1.900 tỉ đô la Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ đẩy mạnh hoạt động mua nợ của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
Các cách tiếp cận khác nhau cho thấy Bắc Kinh coi đại dịch là sự gián đoạn tăng trưởng kinh tế tạm thời, trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây vẫn đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế của họ và ngăn chặn thiệt hại lâu dài do ảnh hưởng của đại dịch.
Các biện pháp khẩn cấp của Bắc Kinh năm ngoái bao gồm cắt giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và ra lệnh cho các ngân hàng triển khai thêm các khoản cho vay. Song các biện pháp tài khóa của Trung Quốc chiếm tỷ trọng GDP thấp hơn nhiều so với các biện pháp của Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển. Theo tính toán của IMF, vào cuối năm 2020, tổng chi tiêu tài khóa của Trung Quốc cho nỗ lực kích thích khoảng 6% GDP của nước này, so với 19% của Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc đã lấy lại động lực tăng trưởng của trước đại dịch trong quí cuối cùng của năm 2020, phần lớn là nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và xuất khẩu mạnh mẽ.
Các nhà phân tích nhận định hiện giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng nhiều hơn về việc kiểm soát nợ và các vấn đề kinh tế dài hạn khác. Năm ngoái, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tổng thể của Trung Quốc, đo tỷ lệ tổng nợ trên GDP, tăng 24%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009, lên mức 270%, theo dữ liệu chính thức.
Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng PBoC sẽ điều chỉnh tốc độ phát hành tín dụng mới thay vì tăng lãi suất cơ bản vì điều này có nguy cơ thu hút dòng tiền đầu cơ, dẫn đến các bong bóng tài sản nguy hiểm. PBoC đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, đồng thời tránh kích thích ồ ạt.
Một mối nguy khác có thể xảy ra là việc thắt chặt tín dụng sẽ gây ra thêm nhiều vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước giữa lúc các chính quyền địa phương, vốn cũng đang nợ đầm đìa, thận trọng với việc giải cứu họ.
Wang Tao, nhà kinh tế tại Ngân hàng UBS, cho biết: "Khi Trung Quốc loại bỏ các biện pháp hỗ trợ, một số vấn đề bị phớt lờ vào năm ngoái có thể xuất hiện trong năm nay. Chúng tôi dự báo Trung Quốc sẽ chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hơn và tỉ lệ nợ xấu cao hơn".