Kỳ vọng cải cách tiền lương
Anh Trần Văn Hiếu (nhân vật đề nghị thay tên, 47 tuổi) - Phó Chủ tịch một xã tại tỉnh Hà Nam cho biết, cải cách tiền lương là chính sách vô cùng thiết thực với những người làm khu vực công.
“Ở chức vụ này sau nhiều năm cống hiến nhưng tiền lương của tôi cũng chỉ cao hơn một chút so với nhiều người mới vào làm được vài năm và có vị trí thấp hơn” - anh Hiếu nói.
Hiện tại, tổng thu nhập của anh Hiếu bao gồm lương và phụ cấp chức vụ, phụ cấp công vụ tổng là 10,5 triệu đồng sau 25 năm cống hiến cho sự nghiệp công của Nhà nước.
Anh Hiếu cho rằng, hiện nay mức lương của chức danh phó chủ tịch xã không bằng trưởng phòng tại các công ty tư nhân dù có thâm niên lâu hơn.
Theo Nghị quyết 27, cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp).
“Không chỉ vậy, cải cách tiền lương gắn liền với việc xác định vị trí việc làm, tôi tin rằng, những người làm khu vực công có thể sống được bằng tiền lương. Tôi rất kỳ vọng về việc cải cách tiền lương sắp tới” - anh Hiếu nói.
Đảm bảo được cuộc sống của cán bộ, công chức
Nước ta đã 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.
Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương được kỳ vọng là một trong những giải pháp cốt yếu để cán bộ, viên chức sống được bằng lương. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, cải cách tiền lương cho đội ngũ này đã bị “lỡ hẹn”.
Liên quan đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Một trong những nội dung báo cáo đề cập đến là vấn đề cải cách chính sách tiền lương. Đây cũng là nội dung được Trung ương bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 8 khoá XIII đang diễn ra tại Hà Nội.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho hay, sớm tiến hành cải cách chính sách tiền lương giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về chính sách tiền lương.
Theo đó, trong Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu rất rõ những bất cập này: Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.
Ngoài ra, có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.
Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Theo ông Quảng, càng sớm tiến hành cải cách chính sách tiền lương thì những tồn tại, bất cập trên càng sớm được khắc phục.
Cùng với khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải cách chính sách tiền lương đồng thời còn là để thực hiện quan điểm tiền lương thực sự là động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc; giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc hơn.
“Cải cách chính sách tiền lương gắn liền với vị trí việc làm, sự cống hiến, đóng góp nên đảm bảo sự công bằng hơn. Cải cách chính sách tiền lương giúp đảm bảo hơn đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực sự tiền lương nuôi sống họ và gia đình họ” - ông Quảng bình luận.
Theo laodong.vn