Năm nay ông Trần Văn Đức ở phường Hữu Nghị, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã 63 tuổi. Ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu thì hàng ngày ông Đức vẫn phải chạy xe ôm để mưu sinh do cả hai vợ chồng ông đều không có lương hưu. Ông Đức cho biết, năm 2000, ông và vợ quyết định nghỉ hưu và rút BHXH một lần. Chính quyết định này đã dẫn đến việc khi hết tuổi lao động nhưng vợ chồng ông vẫn phải bươn trải kiếm sống. Cách đây vài năm, sau khi được tuyên truyền, truyền thông về lợi ích của BHXH, vợ chồng ông Đức đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện để giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không may ốm đau, bệnh tật.
Tương tự như ông Đức, bà Lê Thị Thương ở phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng rút BHXH một lần để giải quyết công việc gia đình. Hệ quả là đến nay, dù đã hơn 60 tuổi nhưng bà Thương vẫn phải làm thuê cho các sạp hàng hoa quả tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thay vì được nghỉ ngơi như nhiều người cùng độ tuổi. “Giờ tôi mới thấy, mình thực sự thiệt thòi sau khi rút BHXH một lần”, bà Thương chia sẻ.
Người dân làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Duyên Phan. |
Thực tế, những trường hợp người lao động quyết định rút BHXH một lần như ông Đức, bà Thương không phải là hiếm. Theo quy định của pháp luật, sau 1 năm nghỉ việc, nếu người lao động không tìm được việc làm mới, không tham gia BHXH tự nguyện thì đủ điều kiện làm thủ tục nhận trợ cấp một lần. Thực tế, đó là khi nhận BHXH một lần mang lại cái trước mắt đó là người lao động sẽ có một khoản tiền ngay sau khi làm thủ tục. Với số tiền này, họ có thể đầu tư, hay để tích lũy. Song, nếu xét về lâu dài thì đây lại không phải là một quyết định đúng đắn vì ngay sau khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đây không được bảo lưu. Khi về già, người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Không có lương hưu, không được hưởng BHXH, bảo hiểm y tế khi ốm đau, bệnh tật, không được hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí khi qua đời…
Đặc biệt, việc nhận BHXH một lần cũng khiến người lao động khá thiệt thòi. Cụ thể, số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của người lao động bằng 2,64 tháng lương nhưng khi nhận chỉ được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Ngoài ra, thời gian đóng BHXH của người lao động đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. Bên cạnh đó, người lao động cũng mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động.
Trong khi đó, theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi tham gia BHXH, người dân sẽ được bảo hiểm đến trọn đời bởi các chế độ như chế độ lương hưu: Người lao động được hưởng tiền lương hưuvới mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng lên theo tỷ lệ % theo quy định Nhà nước. Về quyền lợi BHYT, người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi qua đời với tỷ lệ được quỹ BHYT thanh toán là 95% trong khi mức hưởng của các đối tượng khác là 80% (trừ đối tượng chính sách được hưởng tỷ lệ cao hơn). Ngoài ra còn được hưởng chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Tiền trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất (hiện nay là 18 triệu đồng); đồng thời được giải quyết chế độ trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng (nhưng không quá 4 định xuất).
Lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt hơn chờ nhận lương hưu, đặc biệt những người có quá trình tham gia trên 10 năm. Ảnh: Duyên Phan. |
Mặt khác, thực tế, có nhiều người đã hưởng chế độ BHXH một lần; khi về già muốn trả lại tiền trợ cấp BHXH một lần đã nhận trước đó và tiếp tục tham gia BHXH đối với số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng pháp luật hiện hành không cho phép hoàn trả lại chế độ BHXH một lần.
Chính vì vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động nên cân nhắc đến các quyền lợi được hưởng khi có chế độ hưu trí. Nhất là hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên), người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (mọi người tham gia BHXH tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10% - 25% - 30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau).
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
Như vậy rõ ràng, quyết định rút BHXH một lần sẽ mang đến cho người lao động “thiệt nhiều hơn lợi”. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút BHXH một lần.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người lao động và toàn xã hội đối với việc tham gia BHXH. Đồng thời, Quốc hội cần sớm thông qua Luật BHXH sửa đổi theo hướng tăng quyền lợi được hưởng cho người lao động. Qua đó, có thể giúp giảm số lượng người lao động rút BHXH một lần; từng bước bảo đảm tốt hơn chất lượng cuộc sống người lao động, cũng như góp phần giữ vững ổn định xã hội./.
Theo dangcongsan.vn