Dự kiến, ngày 24/6/2022, tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới". Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Tọa đàm.
Tham dự có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; một số đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc tiểu vùng; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; một số chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và một số cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương.
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng đối với cả nước. Tuy nhiên, là vùng đất chịu ảnh hưởng tàn phá nặng nề từ chiến tranh, của thiên tai bão lụt nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chủ yếu vẫn là nông nghiệp, lại thường xuyên bị thiên tai; thế mạnh kinh tế biển chưa được phát huy; công nghiệp phát triển chưa bền vững; tiềm năng du lịch và dịch vụ chưa được khai thác tốt. Lao động chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập của dân cư thấp hơn bình quân của cả nước; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và bãi ngang, hải đảo còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ đói nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Việc phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai chưa đạt hiệu quả cao…
Biển Nha Trang - Ảnh minh họa
Với thực trạng như vậy, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW). Sau đó, ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Nghị quyết 39-NQ/TW đã khẳng định: Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng có tiềm năng về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, nghề muối, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, vật liệu xây dựng; nhiều lợi thế trong trung chuyển hàng hóa, dịch vụ cho các nước tiểu vùng sông Mê kông và quốc tế bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường biển; nhiều tiềm năng lớn về du lịch; nhiều di tích lịch sử và văn hóa quan trọng; nhân dân có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học; có nền văn hóa phong phú, đa dạng do nhiều dân tộc cùng sinh sống trong vùng tạo ra.
Mục tiêu của Nghị quyết 39-NQ/TW: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế’ cả thiện căn bản đời sống vật chấ, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Về phát triển kinh tế: Phấn đấu thời kỳ từ 2001-2010 đạt mức tăng tổng sản phẩm bình quân hàng năm (GDP) của vùng khoảng 8-9%. Đến năm 2010, GDP bình quân đầu người bằng 2,2 lần so với năm 2000; tỉ trọng kinh tế các khu vực I,II,III là 28%-34%; tỉ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 50%.
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 3308-CV/VPTW ngày 28/3/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế. Theo đó, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW chủ trì trình Bộ Chính trị Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để ban hành Quyết định số 324-QĐ/BKTTW, ngày 18/4/2022 về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Sau một thời gian triển khai tổng kết theo kế hoạch đề ra, đồng thời để có thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó, đề xuất, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trong bối cảnh mới, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết dự kiến tổ chức 03 tọa về 03 tiểu vùng, theo đó, ngày 24/6/2022, Tọa đàm đầu tiên về "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" được tổ chức tại Khánh Hòa với sự chủ trì của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết.
Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" nhằm:
Đánh giá kết quả liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển liên kết tiểu vùng Nam Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phân tích, đánh giá của các địa phương, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với việc liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ; đề xuất các quan điểm, giải pháp, cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực (tài chính, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực…) nhằm phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, khai thác, thông tin về một số nội dung như: Phát triển hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Nam Trung bộ trong quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam; Phát triển cảng biển tiểu vùng Nam Trung bộ trong quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam.
Thông qua Tọa đàm, những ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành. địa phương, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là một trong những cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho xây dựng Báo cáo Đề án Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW.
Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ, có diện tích đất liền 21.440 km2, bằng khoảng hơn 6% diện tích cả nước; là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người (bằng khoảng 4% dân số cả nước) với hơn 12 dân tộc của 4 địa phương. Tiểu vùng Nam Trung Bộ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cũng như đối với cả nước. |